Siêu bão "Sandy" tràn ngập các mặt báo, gây xáo trộn ít nhiều cho chiến dịch vận động bầu cử của cả hai bên và là nhân tố khôn lường ảnh hưởng đến cục diện bầu chọn tổng thống Mỹ sắp tới.
|
Tổng thống Obama trong cơn bão "Sandy". Ảnh AP |
Bão "Sandy" đã tàn phá nhiều bang ở miền Đông nước Mỹ và buộc Tổng thống Barack Obama phải ra tay xử lý khủng hoảng. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến rất gần và nếu thất bại, ông sẽ không còn cơ hội tái đắc cử.
“Sandy” gây hại gấp ba lần bão “Irene”
Theo giới chức hữu quan, ít nhất 50 người đã bị thiệt mạng ở Mỹ và Canada. Riêng ở thành phố New York, đã có 18 người thiệt mạng trong cơn bão “Sandy”.
|
Khung cảnh vùng ngoại ô New York sau cơn bão. Ảnh AFP |
Các chuyên gia cho rằng với hơn 11 nghìn chuyến bay bị hủy, nhiều xí nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giao thông ở các thành phố lớn như Washington và New York bị đình trệ, cơn bão Sandy sẽ gây những hậu quả to lớn đối với nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn.
Bão “Sandy” gây hại gấp 3 lần cơn bão “Irene” và là cơn bão gây hại lớn thứ 3 trong lịch sử Mỹ. Cơ quan quản lý rủi ro Eqecat của Mỹ dự tính thiệt hại do bão Sandy gây ra có thể lên tới 20 tỷ USD. Năm 2008, cơn bão Ike cũng đã gây thiệt hại 20 tỷ USD, trong khi tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ là cơn bão Katrina đổ vào New Orlean, tiểu bang Lousiana hồi năm 2005. Thiệt hại vật chất ước tính của trận bão Katrina lên tới khoảng 66 tỷ USD và làm 1.800 người chết.
|
Tàu chở dầu bị quăng lên bãi biển New York. Ảnh AP |
Hãng AIR Worldwide ước tính thiệt hại đối với số tài sản đã được bảo hiểm vào khoảng 7-15 tỷ USD. Đó là chưa kể đến những thiệt hại khổng lồ do hệ thống tàu điện ngầm, đường hầm, nhà cửa bị ngập lụt. Để tiện bề so sánh, cơn bão “Irene” đã khiến cho các hãng bảo hiểm phải chi trả 4,3 tỷ USD.
Chèo lái con thuyền nước Mỹ trong giông tố
Trước khi siêu bão “Sandy” đổ vào miền Đông nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama cho biết ông đã sẵn sàng chèo lái con thuyền nước Mỹ vượt qua khủng hoảng.
Tổng thống Obama cho biết ông đã làm việc thống đốc của tất cả các tiểu bang có thể bị bão ảnh hưởng và Cơ quan đối phó thiên tai liên bang (FEMA) đã được đặt trong tình trạng báo động. Các nguồn dự trữ thực phẩm đã được huy động để cứu dân chúng bị bảo ảnh hưởng và ông Obama tuyên bố nước Mỹ đã sẵn sàng đối phó với siêu bão “Sandy”.
Trả lời câu hỏi về tác động của cơn bão này đối với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, Tổng thống Obama nói: “Cuộc bầu cử sẽ tự thân vận động vào tuần tới. Còn bây giờ, ưu tiên số một của chúng tôi là cứu sống dân chúng”.
Khi bão Sandy ập đến, ngày 30/10, Tổng thống Obama đã đến trụ sở Hội Chữ Thập đỏ Mỹ ở thủ đô Washington và trấn an các vị thống đốc, thị trưởng của những nơi bị ảnh hưởng của siêu bão Sandy: “Chúng tôi sẽ đáp ứng nhanh nhất có thể. Tôi đã nói với các thống đốc và thị trưởng rằng nếu họ nhận được câu trả lời ‘không’ của bất kỳ cơ quan liên bang nào, họ có thể đích thân gọi điện thoại đến Nhà Trắng cho tôi.”
Cùng ngày, ông Obama đã ngưng các hoạt động bầu cử, ở lại Washington để nghe tin tức cập nhật về bão Sandy và về cách đối phó bão của các cơ quan liên bang, tiểu bang và thành phố. Ông cũng họp qua video với Phó tổng thống Joe Biden, giám đốc FEMA, một số bộ trưởng và cố vấn. Ông có kế hoạch đi thăm New Jersey vào ngày 31/10.
Thống đốc bang New Jersy Chris Christie, người luôn thẳng thừng chỉ trích tổng thống và là đồng minh quan trọng của ông Romney, đã phải ca ngợi ông Obama: “Tổng thống (Obama) đã điều hành rất tốt. Tôi đã nói chuyện với ông ấy ba lần trong ngày hôm qua, lần cuối ông ấy gọi cho tôi là lúc nửa đêm, hỏi xem tôi có cần gì nữa không. Làm việc với ngài tổng thống rất tuyệt, chính phủ của ông cũng hợp tác rất tốt với chúng tôi. Ông ấy rất đáng tin cậy”.
Giáo sư lịch sử và các vấn đề công cộng Julian Zelizer tại Đại học Princeton nhận định: “Cơn bão này sẽ đặt ra một thử thách rất lớn đối với ông Obama trong vài ngày tiếp theo và khiến cho cuộc tranh luận ở Denver giống như trò chơi của trẻ con”. Tổng thống Obama đã bị thua ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc tranh luận lần thứ nhất ở Denver và giúp cho đối thủ tăng điểm một cách vô cùng ngoạn mục sau đó.
Cung cách xử lý siêu bão “Sandy” của Tổng thống Obama có thể quyết định kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Nếu xử lý yếu kém như tổng thống tiền nhiệm George W. Bush đã làm trong cơn bão Katrina, Tổng thống Obama sẽ phải chuẩn bị khăn gói rời Nhà Trắng.
Tổng thống Bush đã tự hủy hoại danh tiếng năm 2005, khi ông xuất hiện ở New Orleans, bốn ngày sau khi xảy ra thảm họa. Hơn 1.800 người đã bị thiệt mạng và hầu hết là những người da đen nghèo khổ. Trước đó, Tổng thống Bush đã hạ thấp vai trò của FEMA. Vốn đổ lỗi cho ông Bush về thất bại mang tên Katrina, bây giờ ông Obama phải tránh sa vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Nếu xử lý khủng hoảng thành công trong, Tổng thống Obama có nhiều khả năng tái đắc cử. Cuộc khủng hoảng mang tên “Sandy” này vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với vị tổng thống đang mãn nhiệm.
Bão “Sandy” và vận động bầu cử tổng thống
Cả hai ứng cử viên tổng thống đều thận trọng về chuyện tái khởi động cỗ máy vận động bầu cử vì không muốn tỏ ra chỉ chú ý đến chuyện chính trị giữa lúc nhiều triệu người đang khổ sở vì thiên tai.
Sau khi biến cuộc vận động bầu cử ở bang Ohio ngày 30/10 thành hành động quyên góp cứu trợ, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney hiện đang tập trung vào chiến dịch vận động bầu cử. Ngày 31/10, ông Romney tiến hành 3 cuộc vận động bầu cử ở bang Florida.
Khốn nỗi, một số tờ báo lớn ở Mỹ mới đây đăng tải lại phát biểu của ông Romney trong cuộc tranh luận tại đảng Cộng hòa hồi năm ngoái cho rằng chính phủ không phải là cơ quan tốt nhất để xử lý thiên tai mà nên giao cho các địa phương, thậm chí là tư nhân.
Trong khi đó, đương kim Tổng thống Obama đã hủy bỏ một số chương trình vận động bầu cử và đi đến bang New Jersey để xem xét thiệt hại do siêu bão “Sandy” gây ra và động viên dân chúng ở đây.
Thống đốc bang New Jersey và là một người thuộc phe Cộng hòa, ông Chris Christie, đã hết lời ca ngợi Tổng thống Obama nhanh chóng ban bố tình trạng khẩn cấp ở các bang Massachusetts, Connecticut, Rhode Island, New York, New Jersey và Pennsylvania vốn bị thiệt hại nặng nề. Ông này cũng bày tỏ “lòng biết ơn” trước những gì mà Tổng thống Obama đã làm cho dân chúng New Jersey.
Siêu bão “Sandy” có thể góp phần giúp Tổng thống Obama. Trên cương vị tổng thống, ông Obama có trong tay mọi phương tiện để thể hiện khả năng chèo lái của mình để đưa đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng.
Chỉ có điều, siêu bão “Sandy” và những hậu quả mà nó để lại có thể khiến cho các cử tri nghèo vốn ủng hộ Tổng thống Obama không thể đi đến các địa điểm bỏ phiếu. Nếu cứ tiếp tục bị cắt điện trong những ngày tới, họ còn có nhiều việc cấp bách phải làm hơn là đi bỏ phiếu.
Minh Bích (tổng hợp)
DatViet
Ý kiến phản hồi
Ynguyen
Việc "lợi hay hại" qua cơn bão này đối với OBAMA lệ thuộc vào bản chất con người, thái độ hành xử tình huống, sự quan tâm đến cộng đồng của ông ấy.
Quan trọng không kém là "vợ ông ấy" đừng lú mặt ra nếu không phải vì 2 chữ "cứu trợ".