Những con số khủng
Quảng Nam đang là tỉnh đứng đầu về số lượng công trình thủy điện với 62 dự án đã phê duyệt, tổng công suất 1.6 triệu MW. Hiện tại, có 15 dự án bị thu hồi phép xây dựng do chậm tiến độ và kém hiệu quả, con số còn lại là 47.
![](http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/151850-VN_DongKhoChay_QN_LT_071112%20-%20400.jpg)
Cánh đồng này đã khô cháy từ đầu vụ, cho đến nay vẫn chưa có nước, nhưng mùa mưa thì lại ngập úng vì lụt. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)
Có 10 thủy điện quy mô lớn, 37 thủy điện quy mô vừa và nhỏ. Ba thủy điện lớn: Sông Tranh 2, hồ chứa hơn 735 triệu m3 nước, cao trình đỉnh đập 180m; hồ chứa A Vương 343 triệu m3, cao trình 384m; ÐăkMil 4 có hồ chứa 310 triệu m3, cao trình 262m.
Trên một vùng đất có xấp xỉ 1.5 triệu dân, diện tích hơn một triệu ha, với tỉ lệ dân số và số lượng công trình, tổng công suất, đem chia cho đầu người, bình quân, mỗi người sử dụng tương đương 1.1 MW (?).
Trung tâm quản lý môi trường quốc tế (ICEM), cơ quan nghiên cứu độc lập do Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tài trợ nhằm đánh giá môi trường lưu vực thủy điện Vu Gia-Thu Bồn, lo ngại: Hiện lượng phù sa các con sông bồi lắng ở Quảng Nam đã đến mức báo động. Theo trạm quan trắc Thành Mỹ (Nam Giang) bình quân mỗi năm, sông Vu Gia có 460,000 tấn đất, cát bồi lắng.
Và, cũng theo ICEM, Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung sẽ là nơi hứng chịu nhiều trận lũ/lụt lớn. Sắp tới, lưu lượng nước ở sông Bung sẽ cạn kiệt, dẫn đến hạ lưu khô hạn, ngập mặn vào mùa khô bởi lượng nước dồn tích trong đập với 490 triệu m3.
Huế, có 21 thủy điện đã và đang xây dựng, với tổng công suất 448 MW.
Quảng Trị có 24 thủy điện, tổng công suất 173MW.
Ngoài ra, các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tỉnh... đều có thủy điện. Nhìn chung, tất cả những tỉnh có dãy Trường Sơn đi qua đều có công trình thủy điện, số lượng lớn, nhỏ tùy thuộc vào lưu lượng sông ở mỗi tỉnh.
Nếu nhìn tổng quan, dãy Trường Sơn giống như một sợi cáp treo hàng trăm cái túi nước trên đầu người dân miền Trung. Mỗi túi nước chứa trung bình vài trăm triệu m3, nếu xảy ra vỡ đập thủy điện, những người dân miền Trung sẽ giống như những con kiến bé trong dòng thác kinh hoàng của hàng tỉ khối nước.
Tiếp sau dòng thác lũ sẽ là bùn đất, mọi thứ mất dạng. Nhưng đó là câu chuyện mùa mưa.
Nắng cháy mưa ngập, ai được ai mất?
Còn mùa nắng thì chỉ riêng Quảng Nam đã có hàng trăm ngàn hecta ruộng bị khô hạn, nhiễm mặn.
Với đà này, nông nghiệp sẽ mất mùa, nguy cơ đói rất có thể xảy ra, vì tỉ lệ làm nông nghiệp ở Quảng Nam nói riêng ước tính là 93% và các tỉnh miền Trung nói chung ước tính là 85% .
Hiện tại, ở các huyện Ðiện Bàn, Ðại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên... thuộc tỉnh Quảng Nam, diện tích ruộng khô đang gia tăng, con số có thể lên đến hàng triệu hecta.
Nguồn nước sử dụng của người dân cũng cạn kiệt, phần bị nhiễm mặn, phần nhiễm phèn, các con sông thì trơ trọi đất cát.
Ông Huỳnh, một nông dân 60 tuổi ở Thăng Bình, Quảng Nam, nói: “Trong cuộc đời tôi, lúc nhỏ, chỉ thấy lụt năm Thìn (1964) do lở núi Cà Tang là kinh khủng lắm rồi. Sau này, không có lở núi, chẳng có trận lụt nào lớn hơn. Nhưng kể từ ngày mấy ổng làm thủy điện thì chuyện lụt năm Thìn là quá nhỏ, bây giờ không có trận lụt nào nhỏ hơn năm Thìn nếu như mấy ổng xả đập”.
Lời nói của ông Huỳnh cũng là một thực tế đáng sợ: Suốt mười năm trở lại đây, khái niệm lụt ở miền Trung đã được người dân mặc định đó là những trận nước ngập nhà ngập cửa, ruộng đồng thành biển bùn.
Như vậy, người dân miền Trung được gì từ những chính sách, kế hoạch mang tầm vĩ mô của chính quyền ngoài những tai ương, mất mùa và lo lắng chết chóc?
Trong khi đó, cứ một gói thầu, dù muốn hay không, cũng phải sinh ra nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư. Ðầu tiên là việc khai thác rừng đầu nguồn, những cánh rừng lâu năm nằm trong diện tích lòng hồ sẽ bị đốn sạch, biến thành gỗ trên thị trường.
Bên cạnh đó, những quan chức địa phương cũng được lợi từ những công trình này, vì một dự án muốn được phê duyệt, phải có phong bì lót túi - đó là thứ văn hóa cơ bản của chế độ hiện nay.
Và, có một điều không thể bỏ qua, gần 70% công trình thủy điện ở miền Trung đều do nhà thầu, kĩ sư và công nhân Trung Quốc thi công. Như vậy cũng đồng nghĩa với một lượng tiền khổng lồ sẽ rót vào túi “nước lạ”.
Trên danh nghĩa đầu tư, nâng tầm kinh tế, nâng mức sống của người dân vùng quê mưa chan nắng cháy này lên “ngang tầm thế kỉ”, một bộ phận nhỏ những người có quyền chức, có máu mặt, tư bản đỏ được hưởng lợi từ việc khai thác, phá hoại thiên nhiên.
Ðại bộ phận nhân dân gánh chịu hậu quả từ sự nổi giận của môi trường. Nếu làm một bài toán tam suất tỉ lệ thuận giữa quyền lợi nhân dân, quyền lợi phe nhóm và tài nguyên môi trường, sẽ cho ra một đáp án rất buồn cười: Môi trường bị cắt thịt, nông dân phải bù thịt cho môi trường bằng sinh mạng và đời sống của mình, một nhóm quyền lực được ăn thịt môi trường!
Miền Trung chìa tay xin, một nhóm được hưởng lợi
![](http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/151850-VN_SongTroDay_QN_LT_071112%20-%20400.jpg)
Sông trơ cạn thấy toàn cát và cát, nhiễm mặn khắp nơi. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)
Bây giờ vẫn đang là Mùa Hạ, vụ lúa Hè Thu vẫn chưa trổ đòng, nhưng nỗi khốn đốn của người dân miền Trung mỗi lúc một hiện rõ trên từng thửa ruộng khô khốc, từng gương mặt sạm nắng, lo âu...
Nếu như trước đây, người dân có thể chết đói vì mất mùa hoặc thiên tai, thì bây giờ, nhờ vào những chính sách và chiến lược vĩ mô của nhà nước, nhân dân có thể vừa chết đói vừa chết thiên tai!
Còn không bao lâu nữa, mùa mưa sẽ tới, nỗi lo của cái đói vì mất mùa và chết lạnh vì những cái túi nước treo toòng teng trên 'sợi cáp Trường Sơn' xổ thẳng xuống đầu, lúc đó, với hàng tỉ khối nước trút lên đầu, sinh mệnh người dân còn nhỏ hơn cả con kiến.
Và lúc đó, trên các phương tiện thông tin (nhà nước) sẽ đưa những hình ảnh, những lời bình “đứt ruột đứt gan” về hoàn cảnh tội nghiệp của dân miền Trung trong thiên tai, rồi lại kêu gọi lòng thương, kêu gọi cứu trợ.
Những món hàng cứu trợ từ nhiều nơi, nhiều nguồn được rót về, chuyện tiêu cực của mấy ông/bà cán bộ trong chia quà cứu trợ lại tái diễn... Lúc này, theo kinh nghiệm của nhiều năm trước, không có ông thủy điện nào lên tiếng đền bù thiệt hại.
Kết cục, người dân nghèo khổ vẫn thiệt thòi nhiều nhất, phần lợi vẫn thuộc về một nhóm nhỏ có quyền lực, tiền bạc mà người ta vẫn gọi là ‘tư bản đỏ’ - một hiện tình rất “hiện thực khách quan” trên đất nước cộng sản xã hội chủ nghĩa này.