Người viết phóng sự này đã hưởng lắm buồn, vui xe buýt ở Hà Nội hơn một năm, muốn chia sẻ với mọi người - trong đó có cả “nhà xe” - những trải nghiệm của chính mình.
Xe buýt đang là phương tiện đi lại được nhiều người dân Hà Nội chọn, nhất là học sinh, sinh viên.
Phải nói là khổ...
Tôi - một phụ nữ công chức - bị nguy cơ tiền đình và hen dị ứng. Bác sĩ chỉ định rõ đi làm hằng ngày nên đi bộ hoặc đi ôtô, chứ tiếp tục đi xe máy, hít khói xăng, bụi đường thì cầm chắc tương lai nhập viện... Lời cảnh báo của bác sĩ đã khiến kẻ yếu bóng vía, tham sống sợ chết như tôi phải điều chỉnh phương tiện di chuyển, từ bỏ chiếc xe máy ưa thích, tiện lợi để hằng ngày đáp xe buýt hai chuyến đi về...
Cái khổ đầu tiên mà tôi gặp phải là quãng đường từ nhà tôi ra bến xe buýt khá xa - đến 1,7km - nên phải mất 20 phút đi bộ. Lúc thời gian dư dả thì chẳng nói làm gì, nhưng gặp khi gấp gáp thì đúng là khốn khổ thân tôi, vừa đi vừa chạy, vừa lo ngay ngáy.
Có hôm ra đến gần bến, thấy xe buýt tuyến mình đi cũng sắp chuyển bánh, thế là lập tức vắt chân lên cổ mà chạy, cố bắt kịp chuyến, bởi chậm một nhịp là mất toi hơn chục phút quý giá. Vì vậy, tôi luôn phải dự phòng thời gian chờ ở bến. Nghĩa là buổi sáng tôi tự bắt mình dậy sớm hơn, rời nhà sớm hơn để tránh những bất trắc mà xe buýt có thể gây ra, dẫn đến việc tôi đi làm muộn giờ, bị phạt “oan”.
Cái khổ thứ hai là vào giờ cao điểm trong ngày, xe buýt luôn đông nghẹt. Mặc dù tuyến đường từ Đại học Kiến trúc (phố Trần Phú, quận Hà Đông) đến Đại học Thủy lợi (phố Tây Sơn, quận Đống Đa) có tới 3 xe số 1, số 2 và số 21, song vào giờ cao điểm từ 7 - 8 giờ sáng và 17 - 18 giờ chiều thì mười ngày như chục, phần lớn khách trên xe phải đứng ép sát vào nhau dạng “xếp úp thìa”.
Chen lấn một chút, đứng chật một chút cũng có thể gắng gượng, song ngột ngạt, bí thở là cảm giác sợ hãi nhất của tôi. Ngày mùa đông, trời mát lạnh còn đỡ. Vào mùa hè, tuy xe có điều hòa không khí, cái nóng, cái ngột vẫn hầm hập, hơn thế chính mùi “tổng hợp” của từng ấy con người tỏa ra trong bức bối tạo thành một thứ không khí keo quánh, cực kỳ khó tả và khó chịu. Một số lần đã có hành khách yếu tim và trẻ em bị ngột muốn ngất, khiến nhà xe phải dừng cho họ xuống giữa tuyến.
Cái khó chịu thứ ba tuy chỉ thỉnh thoảng gặp phải, song lại là điều đáng nói nhất. Đó là thái độ ứng xử không chuẩn của một số lái xe buýt, thường chỉ xảy ra trong những tình huống đột xuất. Một lần, tôi phải đem hai thùng carton khổ lớn đến cơ quan, tuy nhẹ rỗng nhưng cồng kềnh. Mùa đông trời lạnh, tôi lại mặc áo măngtô dài, trùm khăn kín mít trông giống một bà già buôn thúng bán bưng, nên khi vừa bước lên xe tôi đã bị lái xe quát: Không được lên!
Do lần đầu mang thùng cồng kềnh lên xe và không biết đó là quy định cấm của xe buýt, tôi tròn mắt hỏi lại lái xe: Tại sao? Anh lái xe buýt chẳng những không giải thích ngọn ngành, mà tiếp tục mắng mỏ thô tục. Khi thấy tôi mở điện thoại để ghi âm, lái xe buýt tưởng tôi gọi cho đường dây nóng của công ty, càng chửi mắng tục tĩu hơn và thách thức tôi gọi cho đường dây nóng. Thấy tôi không nói lại một lời nào, im lặng nín nhịn, một phụ nữ đi xe bất bình đã lên tiếng can ngăn. Lúc đó lái xe mới chịu ngừng.
Vừa giận mình bị đối xử quá thậm tệ, vừa máy động tính nghề nghiệp, thấy cần phản ánh tình trạng xảy ra trên phương tiện giao thông công cộng, tôi đã ghi lại số xe và các thông tin cho một bài viết. Nhưng sau đó tôi đã nghĩ khác. Rằng mình vi phạm quy định trước, mới khiến lái xe bực bội, dẫn đến nóng giận mất khôn. Lại nữa, không phải lái xe buýt nào cũng ứng xử tàn tệ với khách như vậy. Vì vậy, tôi đã giữ câu chuyện này đến hôm nay mới chia sẻ với bạn đọc. Và mong rằng người lái xe nọ và các đồng nghiệp của anh khi đọc mẩu chuyện này, nghe được tâm sự của tôi, của hành khách sẽ suy nghĩ thêm về nghề và sẽ có thái độ ứng xử đúng đắn hơn với hành khách mỗi ngày...
|
Giờ cao điểm, xe buýt đông nghịt, không còn chỗ trống. |
... song cũng sướng!
Nói toàn cái khổ trước là để bạn đọc thấy “cái sướng” tôi kể sau đây sẽ như được nhân lên. Phải nói là đi xe buýt cũng có nhiều cái sướng hơn đi xe máy lắm. Này nhé, chỉ nội một việc không bị lấm bụi, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu là đã sướng lắm rồi trên những nẻo đường Hà Nội. Nhiều khi nhìn dòng người đi xe máy chen chúc dưới đường trong nắng nóng, khói bụi, trong khi mình ngồi mát mẻ, an ổn trên xe buýt (tất nhiên là những khi may mắn có ghế) thấy quả là sướng hơn hẳn.
Này nhé, từ khi đi xe buýt, da tôi đẹp hẳn hơn trước, trắng trẻo và mịn màng. Quần áo cũng không còn bụi bặm, mồ hôi mồ kê không nhễ nhại khi tới cơ quan. Sướng nhất là tôi “vẫy tay tạm biệt” được bệnh viêm mũi dị ứng và hen dị ứng. Đã hai năm nay, tôi không phải dùng một viên thuốc kháng sinh nào. Mũi hết hẳn ngạt, tiền đình cũng không có nguy cơ “vật” tôi vì ngày nào tôi cũng đi bộ, chạy bộ còn hơn tập thể dục. Ngày mỗi ngày hít thở không khí trong lành, máu huyết lưu thông, dáng đẹp và tinh thần phơi phới. Còn đòi gì hơn nữa chứ?
Oách nhất là cảm giác sang trọng khi được trả lời mọi người rằng mình đi làm bằng xe “mẹc”. Và cái thú là cảm giác không bị vướng víu với xe máy khi muốn ghé ngang một nơi nào đó giữa đường về. Tôi có nhiều cơ hội lững thững thả bộ khi di chuyển từ bến xe buýt đến nơi cần đến, nhẩn nha khám phá phố phường, hàng quán hai bên đường mà thông thường nếu vèo vèo trên xe máy thì chẳng kịp ngắm nghía.
Một điều rất quan trọng nữa là đi xe buýt cực kỳ kinh tế. Cả tháng chỉ mất 80 nghìn đồng mua một vé đi được tất cả các tuyến xe buýt. Hoặc có 3 nghìn đồng/chuyến lẻ. Tính ra cũng rẻ chán so với tiền đổ xăng xe máy lúc này.
Ước gì...!
Tôi đã đi xe buýt nhiều nơi trên thế giới nên có thể có cái nhìn so sánh và thấy ngay rằng xe buýt tại Hà Nội còn rất nhiều bất tiện. Song với hoàn cảnh một người cụ thể là tôi, thì rõ ràng xe buýt vẫn là một “cứu tinh”, là phương tiện giao thông tốt hơn rất nhiều so với xe máy.
Tôi cứ thầm ước giá mà đường dành cho xe buýt thông thoáng hơn và có ở khắp mọi tuyến như ở các thủ đô Paris, Tokyo... để khiến lái xe buýt không phải dừ chân vì luôn đạp phanh, rê côn, không phải liên tục căng thẳng phanh dúi dụi đến hàng chục lần trên một đoạn đường vài trăm mét những khi đường tắc.
Được vậy, lái xe sẽ đỡ hao tổn sức lực trong điều khiển xe tham gia giao thông, thần kinh thư thái hơn, tránh được cáu bẳn không cần thiết. Và hành khách cũng sẽ đỡ khổ vì tốc độ di chuyển của xe buýt nhanh hơn, hành trình đúng giờ hơn.
Tôi cũng ao ước giá mà nhấn chuột vào Internet có thể biết được hành trình giờ giấc của các tuyến xe buýt trong thành phố, bao nhiêu phút nữa sẽ có xe buýt trên tuyến mình cần đi để có thể tính giờ chính xác, không bị trễ, không bị chạy như ma đuổi.
Và tôi mơ đến viễn cảnh xe buýt sạch, đẹp, chạy dọc ngang đến từng góc phố xa khuất, đủ dùng cho tất cả đồng bào đô thị của tôi. Khi ấy ai ai cũng di chuyển thuận tiện, quần áo sạch đẹp, thân thể, tinh thần khỏe mạnh. Cảnh phố xá bẩn thỉu, nhếch nhác, chen chúc đông nghịt xe máy, nghẹt khét khói xăng độc hại với bao nhiêu phụ nữ che bịt tùm hụp, xấu xí... sẽ lùi vào dĩ vãng. Để Hà Nội tôi yêu trở nên xanh - sạch - đẹp, đồng bào tôi được thở bầu không khí trong lành. Ước gì...
Bích Liên - LaoĐộng