- Nhiều người đã trả bộ sưu tập tàu thủy và máy bay thời chiến do ông Ba Léo tự tay đục đẽo lên đến hàng trăm triệu đồng, ông đều từ chối dù hàng ngày vẫn đạp xe đi bán bánh mì.
Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam vừa trao giấy chứng nhận, ghi tên nghệ nhân Nguyễn Văn Léo ở ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre) vào sách kỷ lục guiness về mô hình tàu thuyền khai thác thủy sản và đường sông nhiều nhất Việt Nam. Không chỉ vậy, ông Léo còn sở hữu bộ bộ sưu tập mô hình hàng chục chiếc máy bay thời chiến.
Ba Léo với con tàu "xuyên Việt"
Từ một ngư dân trở thành nghệ nhân rồi ghi tên vào sách kỷ lục guiness, ông Léo đã dành rất nhiều thời gian trong suốt 22 năm qua để vắt óc nhớ lại những tàu thuyền, máy bay mà ông từng gặp. Cũng có lúc ông phải ra tận Bình Thuận rồi ngược xuống Cà Mau hay vùng biên giới Campuchia để sưu tập lại những mẫu tàu thuyền đã lỡ quên trong ký ức. Những điểm đến này cũng là vùng biển nơi mà thuở nhỏ ông cùng cha có mặt hàng chục năm ròng để khai thác thủy sản.
Hình dáng của mỗi phương tiện đánh bắt của từng vùng cho đến tàu hải quân, tàu chiến đều đập vào mắt, in sâu vào trí nhớ Ba Léo nên khi ông đã nghĩ ra cách “để đời” lúc không còn bám biển mà trèo lên bờ sống với chiếc xe đạp cà tàng bán bánh mì dạo quanh xóm. Do không biết nghề mộc nên ông phải đi học đục đẻo, cưa bào gần một năm ròng rồi chọn nhiều loại gỗ khác nhau để thử nghiệm cho hành trình “phiêu lưu” của mình. Cuối cùng Ba Léo chọn gỗ mít rẻ tiền, dễ bào gọt, có độ bền cao lại có sẵn ở vườn nhà để cho ra đời những chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản đầu tiên.
Hàng chục mô hình máy bay thời chiến của nghệ nhân Ba Léo
Đến lúc thấy tay nghề nâng cao, Ba Léo mạnh dạn đục đẽo tỉ mỉ chi tiết các loại phương tiện vận tải đường sông, đánh bắt thủy sản ở nhiều vùng miền rồi lắp ráp như một “kỹ sư tàu thủy” thực thụ. Tuy nhiên, sản phẩm mà Ba Léo cho ra đời không phải là những con tàu hàng trăm tấn lướt được sóng biển ngoài khơi mà là những mô hình thu nhỏ để trưng bày cho con cháu… ngắm. Ba Léo cũng không quên ghi ra tờ giấy chú thích cạnh bên về thời điểm ra đời của các loại tàu cá, phương tiện đường sông để các cháu của ông hiểu rõ lai lịch của các loại tàu.
Tuy là mô hình nhưng ông Ba Léo không bỏ bất cứ chi tiết nào từng xuất hiện trên các loại tàu cá, phương tiện đường thủy mà ông từng gặp hay sưu tầm được. Hình dáng chân vịt, bánh lái, dây neo, ống khói, cột buồm… của đò ngang, đò khách, ghe tải, tàu buôn, tàu kiểm ngư, tàu hải quân cho đến cào đôi, đáy rạo, lưới quàng, lưới đèn…đều giống như thật. Từng chi tiết nhỏ xíu trên mô hình cũng được Ba Léo tỉ mỉ lắp ráp nên những người có kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với ngành thủy sản, chạy đò vùng sông nước không thể chê vào đâu được.
Mô hình tàu chiến được nghệ nhân Ba Léo trưng bày tại các lễ hội
Không dừng lại ở các phương tiện thủy, Ba Léo còn đục đẽo, lắp ráp thành công hàng chục mô hình máy bay thời chiến từng quần đảo trên khắp chiến trường miền Nam. Bộ sưu tập này được trình làng vào năm ngoái nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước khi lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Tiền Giang “mượn” để trưng bày. Nhìn thấy những con đầm già, còng cọc, phản lực, B52, B57… từng gây tang thương cho người dân miền Nam, những cán bộ lão thành một thời chiến đấu chống với quân xâm lược đã rơi nước mắt khi Ba Léo ghi rõ tên tuổi từng cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong các trận đánh có sự xuất hiện của máy bay địch.
Tiếng thơm đồn xa nên mỗi khi có lễ hội, hội chợ triển lãm, nhiều tỉnh thành miền Tây đã mời Ba Léo mang bộ sưu tập tàu thuyền, máy bay thời chiến đi trưng bày nên tên ông rơi vào “tầm ngắm” của kỷ lục guiness. Không chỉ có tàu thuyền và máy bay, Ba Léo vừa cho ra đời mô hình nhà chữ đinh hay nhà lá với cột kèo xiêu vẹo của người dân miền Nam trong thời buổi khó khăn.
Tên nghệ nhân Ba Léo ghi vào sách kỷ lục Việt Nam
Trao đổi với phóng viên, Ba Léo nói hiện nay vợ chồng ông đạp xe bán bánh mì dạo lời chỉ 30.000-40.000 đồng mỗi ngày nhưng có người hỏi mua bộ sưu tập của ông với giá hàng trăm triệu nhưng ông lắc đầu. Nghệ nhân 62 tuổi này bảo rằng mồ hôi, công sức ông bỏ ra không phải muốn nổi tiếng hay kiếm tiền mà là muốn giữ lại để sau này con cháu biết về hình ảnh, lịch sử của những con tàu mà cha ông gắn bó và những loại phi cơ từng gieo rắc đau thương cho đồng bào mình trong năm tháng chiến tranh.
HỒNG DÂN
Theo infonet