Havel và báo dân chủ Việt Nam ở Czech
Vaclav Havel (bìa phải) cùng cộng sự ở Diễn đàn Công dân thời đấu tranh dân chủ
Trước tin cựu tổng thống Vaclav Havel qua đời cuối tuần qua, ông Nguyễn Quốc Vũ kể lại thời giới trí thức trẻ Việt Nam làm báo dân chủ tại Tiệp Khắc được nhân vật hàng đầu của phong trào dân chủ nước chủ nhà ủng hộ.
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt hôm 18/12/2011, sau khi báo chí đưa tin ông Vaclav Havel qua đời, thọ 75 tuổi, ông Nguyễn Quốc Vũ kể lại giai đoạn sôi động tại Đông Âu những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990:
Nguyễn Quốc Vũ: Sau Cách mạng Nhung, phong trào phân biệt chủng tộc lên cao, các nhóm cực hữu (skinhead) bắt đầu lộ diện và tấn công người Việt đang cư trú tại CH Czech. Họ tấn công ngoài đường, trên metro, các khu cư xá...Trước tình hình đó một nhóm sinh viên, nghiên cứu sinh ở Plzen, một thành phố cách Praha khoảng 100km đã gửi cho ông Vaclav Havel một bức thư nhờ can thiệp. Bức thư này với sự giúp đở của tạp chí Respekt (tạp chí do các thành viên cũ của Hiến Chương 77) đã được đưa lên truyền hình Tiệp Khắc lúc bấy giờ. Tình hình nhờ đó bớt căng thẳng. Các nhóm sinh viên này sau đó lần lược ra các tờ báo như Điểm Tin Báo Chí (Plzen), Diễn Đàn (Praha), Thời Mới (Ostrava).
Có một kỷ niệm nhỏ về tờ Diễn Đàn với Havel. Khi Diễn Đàn ra được vài số, có một cuộc gặp mặt của Havel nhân ngày sinh của ông với các bạn bè của mình trong nhóm Hiến Chương 77. Ông Jachym Topol một cây viết chủ đạo của tờ Respekt ngày đó đã nói về tờ Diễn Đàn của sinh viên Việt Nam và đứng ra quyên tiền ủng hộ cho Diễn Đàn. Havel đã lấy tiền túi ra ủng hộ 200 Kc (tương đương với khoản 6 USD theo thời giá bây giờ).
Tờ Diễn Đàn ra được trong thời gian đầu cũng nhờ người của Hiến Chương 77 trong Respekt, Diễn Đàn Công Dân (Civil forum), và Pen Club cho chúng tôi in miễn phí, thậm chí họ còn cử người phát hộ chúng tôi trong các cư xá người Việt vì lúc đó không người việt nào dám giúp chúng tôi vì sợ sứ quán Việt Nam ở Praha trù dập.
"Một cảm giác thật lạ như vừa mất đi một người thân thuộc"
Nguyễn Quốc Vũ nói về Havel
Song song với việc làm báo các cuộc hội thảo của sinh viên VN diễn ra ở các ký túc xá sinh viên. Lần đầu tiên chúng tôi đã bàn về dân chủ, tự do, đa đảng. Sứ quán Việt nam trong thời gian dài đã để yên cho các hoạt động này.
BBC:Các báo như Điểm Tin Báo Chí, Diễn Đàn Praha có trích dẫn các phát biểu của ông Havel và Phong trào Hiến chương 77 hay không?
Nguyễn Quốc Vũ: Hiến Chương 77 và Havel luôn là nguồn động lực của những tờ báo lúc đó. Vì lúc đó chúng tôi cũng mong một sự đổi thay cho Việt Nam như ở Tiệp Khắc. Chúng tôi đã có các cuộc phòng vấn với các phát ngôn viên ngày đó của Hiến Chương 77, cũng như về sau này đã giới thiệu họ với các nhà hoạt động dân chủ người Việt.
BBC: Ông Havel đã từng nói gì với các anh về dân chủ cho Việt Nam chưa?
Qua vận động của anh em làm báo Diễn Đàn cũ với nhóm Hiến Chương 77, Havel và một số người của Hiến Chương 77 đã ký vào thư ủng hộ cho phong trào 8406 ở Việt Nam. Đích thân ông cũng đã can thiệp cho một người Việt chạy vào Sứ quán Tiệp ở Bangkok được hưởng qui chế tị nạn và đưa về Tiệp. Ông đã vui mừng khi chúng tôi ngỏ ý được dịch các tác phẩm của ông ra tiếng Việt.
Người dân CH Czech tưởng niệm ông Havel (1936-2011)
BBC:Cảm tưởng bây giờ khi nghe tin ông qua đời với anh là gì?
Mấy ngày trước khi Đức Dalai Lama sang thăm, chúng tôi thấy trên TV ông đã rất yếu. Nhưng sự ra đi của ông vẫn là một bất ngờ lớn. Tôi và một số bạn bè đã ra khu trung tâm thắp nến tưởng niệm. Chúng tôi nói chuyện với nhau cả ngày trên Facebook về những gì ông đã làm cho dân tộc Tiệp, cho người Miến Điện, Trung Quốc, cho Việt Nam. Khi BBC gọi điện cho tôi thì vài phút sau, lúc 18 giờ tất cả nhà thờ ở toàn CH Czech đổ chuông. Cảm giác thật lạ như vừa mất đi một người thân thuộc.
BBC:Các chính trị gia Czech nay còn quan tâm đến Việt Nam hay không?
Sau thế hệ của Havel và Hiến Chương 77, thế hệ chính khách mới của Czech giờ đây không còn quan tâm nhiều về những vấn đề nhân quyền hay dân chủ. Sau Havel những tiếng nói ủng hộ cho Viết Nam chắc chắn sẽ còn yếu ớt hơn.
BBC: Người Việt tại Czech có quan tâm đến ông Havel và di sản đấu tranh dân chủ của ông không? Hay chủ yếu họ lo buôn bán?
Một số người từng quan tâm thì vẫn quan tâm, nhưng tôi e rằng họ chỉ là thiểu số. Đa số lo cho việc làm ăn buôn bán của mình, có thể chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng tôi nghĩ là nhiều người còn không biết Havel là ai.
Ông Nguyễn Quốc Vũ sang Tiệp Khắc năm 1982, học Đại học Kỹ thuật Praha (Czech Technical University in Prague -ČVUT) khoa Hạt Nhân và tốt nghiệp kỹ sư vật lý. Ông tham gia tờ Diễn Đàn Praha sau khi đã tốt nghiệp và thực tập ở một Viện Vật Lý ở thủ đô Praha.
BBC
|