Giáo dục Việt Nam thua các nước trong khu vực
Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vừa công bố Báo cáo phát triển con người của VN năm 2011, lấy tên là “Dịch vụ xã hội phát triển con người”.
Sở dĩ lấy tên này là do nhóm tác giả muốn đặt nhấn mạnh rằng VN trong thời gian qua đã quá ưu tiên phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đầy đủ tới các yếu tố phi kinh tế như dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế) và khả năng tiếp cận đến chúng của các nhóm cư dân khác nhau.
Chỉ số phát triển con người (HDI) là một chỉ số tổng hợp gồm bốn thành phần: tuổi thọ trung bình, tỉ lệ đi học, tỉ lệ người lớn biết chữ và GDP bình quân đầu người điều chỉnh theo ngang giá về sức mua. Theo báo cáo, HDI của VN đã tăng 11,8% trong giai đoạn 1999-2008, thuộc nhóm trung bình so với thế giới. Từ năm 2009 tới nay, HDI của VN ở mức cao hơn Campuchia và Lào nhưng thấp hơn Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Điểm đáng chú ý là tăng trưởng về thu nhập đóng góp hơn một nửa (55,7%) trong mức tăng 11,8% của chỉ số nhưng những cải thiện về tuổi thọ và giáo dục chỉ góp 31,8% và 12,6%. Nói cách khác, xu hướng phát triển của VN có phần giống Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế thì nhanh nhưng các phương diện phi kinh tế thì chậm. So với các nước khác trong khu vực, VN đạt được ít tiến bộ nhất trong các chỉ số ngoài thu nhập.
Một phần nguyên nhân là do giáo dục không có mấy tiến triển. Theo báo cáo, từ năm 2000 đến năm 2011, tuổi thọ trung bình của người VN tăng từ 72 lên 75,2. Tuy nhiên, số năm đi học trung bình chỉ tăng từ 4,5 lên 5,5. Trong năm 2011, chất lượng giáo dục của VN thấp hơn so với cả khu vực, ví dụ Thái Lan có số năm đi học trung bình 6,6 năm, Philippines 8,9 năm, toàn khu vực 7,2 năm. Các chuyên gia kết luận VN sẽ rất khó cạnh tranh hiệu quả trong một thị trường ngày càng toàn cầu hóa và khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, nếu không cải thiện được kết quả giáo dục…
Về con đường trước mắt, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia UNDP, nhận định: “Nếu VN không đầu tư cho giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục thì sẽ cản trở sự phát triển. Mọi sự phụ thuộc vào lựa chọn của Chính phủ là đầu tư ngắn hay dài hạn. Nếu dài hạn thì không thể chỉ đặt nặng tăng trưởng kinh tế”.
H.THƯ
PL
|