Trong hơn một tháng qua, hai vệ tinh được xếp vào hàng lớn nhất đã lần lượt lao xuống trái đất mà người ta chẳng thể làm gì ngoài việc bất lực nhìn nó rơi xuống đầu mình. Tuy nhiên, đó chỉ là hai trong số 7 vệ tinh cực lớn "về nhà" theo cách này.
1. Skylab của NASA
Được phóng lên quỹ đạo năm 1973, vệ tinh có tên Skylab được giao thực hiện 3 nhiệm vụ trong không gian và dự đoán sẽ trở về nhà một thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, nó đã về sớm hơn dự kiến trước sự bất lực của các nhà khoa học ở trung tâm NASA và họ buộc phải phó mặc cho số phận. Ngày 11/7/1979, Skylab lao vào bầu khí quyển để trở về trái đất. Các mảnh vỡ của nó được xác định rơi trên biển Ấn Độ Dương và phía Tây Australia. Một vài mảnh vỡ được phát hiện ở phía đông nam Perth, Tây Úc và một vài nơi khác. May mắn là không có ai bị thương vì mảnh vỡ vệ tinh.
2. Pegasus 2
Được NASA đưa lên quỹ đạo từ năm 1965, vệ tinh nặng 11,6 tấn này có nhiệm vụ nghiên cứu sự tồn tại của những thiên thạch siêu nhỏ bay xung quanh quỹ đạo trái đất. Pegasus thu thập dữ liệu và gửi về nhà trong vòng 3 năm, sau đó ngừng hoạt động. Nó vẫn duy trì được quỹ đạo cho tới 11 năm sau và trở về nhà ngày 3/11/1979. Các mảnh vỡ của nó lao xuống giữa biển Đại Tây Dương.
3. Salyut 7
Salyut 7 được Liên xô đưa vào không gian năm 1982 trong chương trình xây dựng 9 “nhà ga” bên ngoài vũ trụ. Trong 9 năm hoạt động, nó đã đón tiếp 6 phi hành đoàn khác nhau làm nhiệm vụ bên ngoài không gian. Salyut 7 dài khoảng 16m và rộng 4,15m tại điểm rộng nhất. Tổng khối lượng của vệ tinh này ước tính vào khoảng 22 tấn.
Salyut 7 quay trở lại trái đất ngày 7/2/1991. Các mảnh vỡ của nó được xác định rơi xuống Argentina, trong đó một vài mảnh thiết bị cháy dở được phát hiện ở thị trấn có tên Capitan Bermudez. Không có báo cáo thương vong được đưa ra.
4. Tàu con thoi Columbia
Các mảnh vỡ của tàu con thoi Columbia.
Thật đáng buồn, tàu con thoi nổi tiếng Columbia của Mỹ cũng bị liệt vào danh sách những thiết bị không gian nhân tạo rơi bất định vào trái đất. Tàu con thoi Columbia gặp nạn ngày 1/2/2003 khi trở về nhà sau 16 ngày làm nhiệm vụ trên không gian. Tất cả 7 phi hành gia đều thiệt mạng do tàu phát nổ trong quá trình hạ cánh.
Một cuộc điều tra được tiến hành cho biết lá chắn nhiệt bên cánh trái tàu Columbia bị hư hại là nguyên nhân chính gây ra thảm họa. Mảnh xốp cách nhiệt từ bình nhiêu liệu rơi ra trong quá trình cất cánh là nguyên nhân gây thủng một lỗ lớn bên cánh trái con tàu.
Vết thủng khiến cho khí nóng tràn vào bên trong con tàu trong quá trình nó ma sát với bầu khí quyển là nguyên nhân gây nổ tàu Columbia. Những mảnh vỡ của phi thuyền nặng hơn 100 tấn rơi rải rác ở miền đông bắc bang Texas, Mỹ.
5. Cosmos 954
Dù không phải là vệ tinh lớn nhất rơi trở lại địa cầu, nhưng Cosmos 954 được coi là vệ tinh đáng sợ nhất. Với trọng lượng 3,8 tấn, vệ tinh này được phóng lên năm 1977 để theo dõi hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Mỹ. Không cần các tấm pin năng lượng mặt trời, Cosmos 954 có hệ thống lò phản ứng hạt nhân cung cấp nhiên liệu cho quá trình hoạt động. Nhưng chính điều đó làm cho nó trở nên đáng sợ hơn khi rơi bất định vào trái đất.
Ngày 24/1/1978, Cosmos 954 lao vào bầu khí quyển, và các mảnh vụn của nó được dự đoán sẽ rơi xuống khu vực Tây Bắc Canada. Các mảnh vụn chứa phóng xạ đã lan trên một khu vực rộng lớn, khiến chính phủ Canada yêu cầu Liên Xô chi trả 6 triệu USD phí dọn dẹp và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, Liên Xô chỉ chấp thuận trả 3 triệu USD cho Toronto.
6. Vệ tinh UARS
Vệ tinh theo dõi tầng khí quyển nặng 6,5 tấn với chiều dài 10,7 mét, rộng 4,5 mét được tàu con thoi Discovery của NASA đưa lên quỹ đạo tháng 9/1991. Thực hiện việc nghiên cứu tầng khí quyển trái đất trong vòng 14 năm, UARS được đánh giá có nhiều đóng góp cho các nhà khoa học, từ những thông tin thu thập được trên tầng khí quyển. Tháng 12/2005, vệ tinh có giá 750 triệu USD ngừng hoạt động.
Đêm 23 rạng sáng 24 tháng 9 vừa qua, vệ tinh này lao vào tầng khí quyển và rơi về phía Canada và châu Phi, cũng như một số vùng ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. NASA chưa thể xác định chính xác vị trí các mảnh vỡ của vệ tinh này, cũng như báo cáo thương vong sau vụ việc.
7. Rosat
Kính thiên văn Rosat vừa lao trở lại trái đất ngày hôm qua với 30 mảnh vụn có tổng trọng lượng lên tới 1,9 tấn. Được phóng lên quỹ đạo tháng 6/1990, kính thiên văn Rosat được các nhà khoa học Đức sử dụng để khảo sát không gian bằng tia X đồng thời ghi lại hình ảnh của tất cả các vật thể trong không gian phát ra tia phóng xạ này. Dù sứ mệnh chỉ là 18 tháng nhưng thời gian Rosat hoạt động đã lên tới 9 năm. Nhiệm vụ cuối cùng được thực hiện năm 1998 và 11 năm sau đó, Rosat rơi xuống một vị trí nào đó trên bề mặt trái đất. Cơ quan hàng không vũ trụ Đức cho biết chưa nhận được báo cáo thương vong nào.
Trịnh Duy
Theo Bưu điện Việt Nam