TP.HCM sẽ có “buýt đường sông”?
- UBND TP.HCM vừa đồng ý về chủ trương để các đơn vị liên quan khảo sát, lập dự án xây dựng hai tuyến vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông trên địa bàn TP (buýt đường sông).
Trao đổi về vấn đề này, ông NGUYỄN KIM TOẢN - giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị đề xuất dự án) - cho biết thêm.
- TP.HCM có lợi thế với gần 8.000km sông, kênh rạch băng khắp TP với nhiều tuyến sông, kênh có thể khai thác vận tải hành khách đường thủy kết hợp du lịch. Chúng tôi đã đề xuất và được UBND TP chấp thuận chủ trương nghiên cứu để thí điểm xây dựng hai tuyến buýt đường sông với chiều dài khoảng 11km mỗi tuyến: tuyến số 1 từ bến Bạch Đằng (Q.1) đi Linh Đông (Q.Thủ Đức) và tuyến số 2 từ bến Bạch Đằng đi Q.8.
Đồ họa: Như Khanh
UBND TP đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải TP phối hợp với các sở ngành và UBND các quận huyện nghiên cứu dự án buýt đường sông. Thời gian trình dự án chậm nhất là ngày 31-12-2011.
* Ý tưởng xây dựng buýt đường sông từng được đưa ra nhưng không thành công. Liệu dự án lần này có khả thi không, thưa ông?
- Từ đầu những năm 1990, các chuyên gia của Sở Giao thông công chính TP (nay là Sở Giao thông vận tải TP) đã đề xuất lập các tuyến buýt đường sông nhưng không thực hiện được vì nhiều lý do như chưa có cơ chế đầu tư thích hợp, quy hoạch tổng thể bố cục không gian TP chưa phù hợp để phát triển buýt đường sông, chưa có những tiện nghi thu hút hành khách...
Đến nay những trở ngại trên đã giảm bớt, thay vào đó là những yếu tố thuận lợi như nhu cầu vận tải bằng đường sông của người dân tăng cao, các khu đông dân cư dọc sông Sài Gòn gia tăng, đường Võ Văn Kiệt đã làm xong, tạo thuận lợi phát triển buýt đường sông trên kênh Bến Nghé - Tàu Hủ...
Hiện một số doanh nghiệp đã khai thác dịch vụ “taxi đường sông” từ bến Bạch Đằng (Q.1) chở nhân viên các công ty đi làm ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bà Rịa-Vũng Tàu... nhưng hạn chế của “taxi đường sông” là giá vé cao.
* Như vậy làm sao để giá vé buýt đường sông thấp, trong khi chi phí vận hành phương tiện thủy cao hơn khá nhiều so với đường bộ?
- Giá vé buýt đường sông sẽ cao hơn buýt đường bộ do các loại chi phí đều cao hơn. Ví dụ xe 40-45 chỗ trên đường bộ chạy 100km tiêu hao gần 30 lít dầu, trong khi một tàu có sức chở tương đương phải tiêu hao gần 200 lít dầu vì được gắn hai động cơ. Rồi chi phí đầu tư ban đầu, chi phí bảo trì bảo dưỡng... phương tiện thủy cũng cao hơn xe chạy trên đường bộ.
Tuy nhiên khi xây dựng biểu đồ giá vé, chúng tôi phải tính tới sự tương quan với buýt trên bờ. Vé xe buýt có trợ giá trên bờ hiện nay là 4.000-5.000 đồng/lượt, vé không trợ giá khoảng 10.000 đồng/lượt. Buýt đường sông nếu được Nhà nước hỗ trợ thì giá vé chỉ dao động 10.000-15.000 đồng/lượt.
Ngoài ra, đi buýt đường sông hành khách sẽ giảm được khoảng cách đi lại, tiết kiệm thời gian... Hiện nay, nếu một nhân viên nhà ở trung tâm TP.HCM tới nhà máy tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) bằng đường bộ phải mất bốn giờ (nếu kẹt xe), trong khi đi bằng đường thủy chỉ mất 45 phút.
* Nếu đề án được thông qua, hai tuyến buýt đường sông sẽ được thực hiện như thế nào?
- Kinh phí của dự án hơn 100 tỉ đồng, trong đó 70% là vốn vay. Dự kiến thời gian đầu chúng tôi sẽ đầu tư tám tàu có sức chứa 80 ghế/tàu (mỗi tuyến buýt đường sông có bốn tàu). Trong giờ thấp điểm có thể đưa những tàu có sức chở nhỏ hơn (đã có sẵn) vào vận hành. Chúng tôi tính toán với 50% công suất, mỗi ngày hai tuyến buýt đường sông sẽ vận chuyển gần 5.000 khách, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân TP.
Buýt đường sông sẽ hoạt động từ 7g đến 18g mỗi ngày với ba loại hình để hành khách lựa chọn: buýt cắm cờ xanh sẽ đi qua tất cả các bến, buýt cắm cờ vàng chỉ đi qua 1/2 số bến và buýt cắm cờ đỏ (có thời gian di chuyển nhanh nhất) chỉ dừng ở hai đầu trạm. 16 bến của buýt đường sông (dự kiến có bốn bến trung tâm và 12 bến nhỏ) sẽ khai thác thêm các dịch vụ tiện ích tại bến và tính toán kết nối hạ tầng với giao thông công cộng đường bộ (xe buýt, taxi...) để tăng cường khả năng kết hợp và phục vụ hành khách tốt nhất.
Tuyến buýt đường sông số 1 có lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa đi tiếp ra sông Sài Gòn đến khu vực Linh Đông (Q.Thủ Đức), chiều dài khoảng 11km, có tám bến lên xuống và hai bến đầu - cuối, thời gian tàu chạy khoảng 29 phút.
Tuyến số 2 (Bạch Đằng - Q.8) có lộ trình xuất phát từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực Q.8 gần cầu Lò Gốm trên đường Võ Văn Kiệt, chiều dài khoảng 11km, có năm bến lên xuống và hai bến đầu cuối, thời gian hành trình khoảng 30 phút.
BÁ SƠN
thực hiện
theo TT