Đối thoại chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4 giữa Mỹ và Ấn Độ vừa kết thúc, cho thấy Mỹ ngày càng coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là hy vọng duy nhất trong chiến lược an ninh của Mỹ tại Nam Á.
Ngoài vị thế và nền kinh tế đang nổi của Ấn Độ, nhân tố tạo nên sự thay đổi bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc và khả năng Mỹ hướng tới một chiến lược biển trong tương lai.
Với chính sách đối ngoại không liên kết truyền thống của mình, Ấn Độ không dễ tỏ ra quá thân Mỹ. Một kịch bản về quan hệ với Ấn Độ khó có thể tiến triển nhanh như mong muốn, trong khi quan hệ với Pakistan và Afghanistan vẫn ở mức manh mún. Vì vậy, Mỹ không thể bỏ qua nhu cầu tạo dựng các mối quan hệ chiến lược sâu hơn với các nước nhỏ trong khu vực.
Mỹ không thể bỏ qua nhu cầu tạo dựng các mối quan hệ chiến lược sâu hơn với các nước nhỏ trong khu vực. Ảnh minh họa.
Quan hệ với Bangladesh, Sri Lanka, Maldives và Nepal vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Với 50% lượng hàng và 70% lượng dầu mỏ và sản phẩm dầu quá cảnh khu vực này, Mỹ có lợi ích trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với các quốc gia Nam Á và tăng cường quan hệ quốc phòng với hải quân các nước này như là một hình thái chia sẻ trách nhiệm tại Ấn Độ Dương. Hơn nữa, so với các nước lớn như Ấn Độ và Pakistan, các nước nhỏ có thể là phép thử tốt hơn trong triển khai chiến lược mới và là môi trường dễ chịu cho việc thử nghiệm.
Quan hệ của Mỹ với Bangladesh có thể nói là mạnh nhất thông qua việc Mỹ trợ giúp nước này về nhân đạo, khắc phục thảm họa thiên tai. Mỹ cũng nên phát triển hơn nữa quan hệ an ninh với Bangladesh. Cũng tương tự như Bangladesh, Maldives với nền dân chủ Hồi giáo thân Mỹ, rất cần Mỹ hỗ trợ chống cướp biển Somalia và khủng bố từ Pakistan.
Mỹ không nên bỏ qua vị trí chiến lược của Sri Lanka tại Ấn Độ Dương. Hải quân Mỹ sẽ có lợi trong việc trao đổi quân sự với Sri Lanka. Ví dụ, kinh nghiệm chiến thuật tấn công vu hồi trong cuộc nội chiến của nước này sẽ giúp Mỹ chuẩn bị đối phó với mối đe dọa có thể có từ Iran. Ngược lại, hải quân Sri Lanka sẽ có lợi được Mỹ trợ giúp trong tuần tra khu vực biển từ Bắc xuống Nam, nơi có tới 300 tàu thuyền di chuyển qua đầu mút quốc đảo này.
Với Nepal, khi họ thu hẹp lực lượng của mình và sáp nhập quân nổi dậy vào lực lượng quân sự như là một phần của tiến trình hòa bình, hợp tác quân sự và triển khai của Mỹ sẽ trở nên quan trọng trong hoạt động này.
Trong khi đang giảm dần cam kết tại Afghanistan và gặp phải bất ổn không kể xiết trong quan hệ với Pakistan, Mỹ lại chỉ có thể trông cậy vào những hứa hẹn quan hệ đối tác với Ấn Độ trong chừng mực nhất định. Đã từ lâu không để ý tới lợi ích tiềm tàng trong phát triển quan hệ với các nước nhỏ Nam Á, Mỹ cần xem xét nghiêm túc về triển vọng thúc đẩy quan hệ an ninh của Mỹ với các nước tại khu vực như Bangladesh, Sri Lanka, Maldives và Nepal.
Theo Tuanvietnam