Công an huyện Tri Tôn (An Giang) đã thực hiện lệnh tạm giữ hành chính để điều tra đối với tài xế Nguyễn Ngọc Lợi, 38 tuổi, ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) - người điều khiển xe tải gây ra vụ sập cầu số 15 trên tỉnh lộ 941, huyện Tri Tôn khiến một người chết.
|
Hai đầu cầu hình thành gần chục bến đò tự phát, sử dụng những chiếc trẹt chở máy cày, máy xới để chở khách vượt gần 1km kinh Mặc Cần Dưng - Ảnh Đức Vịnh |
Vụ sập cầu khiến việc vận chuyển hàng hóa, nông sản trên tuyến tỉnh lộ 941 bị ách tắc nghiêm trọng. Các loại xe bốn bánh trở lên từ các huyện Tri Tôn (An Giang), Giang Thành, Kiên Lương (Kiên Giang) đi các tỉnh (và chiều ngược lại) phải đổi lộ trình qua tỉnh lộ 943 hay quốc lộ 80 và quốc lộ 91.
|
Từ sáng tới tối lượng xe gắn máy luôn dồn cục hai bên đầu cầu số 15 - Ảnh Đức Vịnh
|
|
Việc vận chuyển hàng hóa, nông sản phải sử dụng xe gắn máy, qua đò hết sức nhiều khê - Ảnh: Đức Vịnh |
|
Kinh Mặc Cần Dưng lũ chảy mạnh, sóng to, những chiếc trẹt chở khách gần 1km trên đoạn kinh này quá nguy hiểm - Ảnh Đức Vịnh |
Do mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe hai bánh lưu thông trên tỉnh lộ 941 nên ở hai đầu cầu số 15 đã hình thành gần chục bến đò tự phát với hơn 30 chiếc trẹt (loại đò gỗ thường dùng chuyên chở máy cày, máy xới - PV) liên tục chở người đi bộ và phương tiện vượt gần 1km trên kinh Mặc Cần Dưng để qua đoạn đường nơi cây cầu bị sập.
Những chiếc trẹt này vốn dùng chở các loại máy cày, máy suốt, máy gặt… không an toàn và do những nông dân điều khiển không có bằng lái, trong khi kinh Mặc Cần Dưng vào mùa lũ nước chảy mạnh nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Ngay sau khi cầu sập, UBND tỉnh đã chỉ đạo trong lúc làm cầu mới, Công ty Phà An Giang phải điều 3 phà tải trọng lớn tới để vận chuyển người và phương tiện, nhằm đảm bảo giao thông.
Tuy nhiên đến trưa nay 12-9 những chiếc phà vẫn chưa có mặt. Vì vậy, hàng ngàn phương tiện hai bánh, người đi bộ và những học sinh vẫn tiếp tục phải đi lại trên những chiếc trẹt đầy nguy hiểm.
ĐỨC VỊNH, tuoitre.vn