10 chủ tịch Ngân hàng Trung ương tệ nhất thế giới
Global Finance xếp hạng dựa trên các tiêu chí như khả năng kiềm chế lạm phát, kích thích tăng trưởng, duy trì tỷ giá đồng tiền ổn định và điều chỉnh lãi suất.
Tạp chí Global Finance xếp hạng 36 chủ tịch Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới dựa trên các tiêu chí như khả năng kiềm chế lạm phát, kích thích tăng trưởng, duy trì tỷ giá đồng tiền ổn định và điều chỉnh lãi suất.
Người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương Thế giới được xếp hạng từ A đến F.
Chỉ duy nhất 6 chủ tịch Ngân hàng Trung ương nhận được xếp hạng A cho thành tích trong hoạt động của mình bao gồm ông Glenn Stevens của Ngân hàng Trung ương Úc, ông Stanley Fisher của Ngân hàng Trung ương Isarel, ông Riad Salameh của Ngân hàng Trung ương Lebanon, ông Zeti Akhtar Aziz thuộc Ngân hàng Trung ương Malaysia, ông Amando Tetangco thuộc Ngân hàng Trung ương Philippin và ông Fai-Nan Perng thuộc Ngân hàng Trung ương Đài Loan.
Dưới đây là danh sách 10 chủ tịch Ngân hàng Trung ương được coi như tệ nhất thế giới:
Rasheed Mohammed Al Maraj thuộc Ngân hàng Trung ương Bahrain
Xếp hạng năm 2011: B-
Bahrain đương đầu với tình trạng kinh tế suy giảm và bất ổn chính trị. Kinh tế tăng trưởng âm 1,4% trong quý 1/2011. Báo cáo của Emirates 24-7 cho thấy kinh tế nước này đương đầu với giảm phát trong thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2008. Hội đồng hợp tác vùng Vịnh một ngày nào đó có thể đe dọa thay đổi khả năng độc lập chính sách của Ngân hàng Trung ước này.
Jean-Claude Trichet thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu
Xếp hạng năm 2011: B-
Xếp hạng năm 2010: A
Vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu tăng lên từng ngày. Có nhiều dấu hiệu cho thấy khủng hoảng nợ công của châu Âu có thể dẫn đến thảm họa trên toàn cầu, đe dọa đến sự thành công của đồng euro, kinh tế khắp các nước châu Âu tăng trưởng kém sẽ còn khiến tình hình tồi tệ hơn nữa. Ông Trichet và đồng nghiệp của mình chịu thiệt do hệ thống của Liên minh châu Âu còn quá nhiều khiếm khuyết tuy nhiên chính ông và đồng nghiệp của mình cũng hành động quá chậm chạp.
Philipp Hildebrand thuộc Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ
Xếp hạng năm 2011: B-
Xếp hạng năm 2010: B-
Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã không thể giữ được tỷ giá trong tầm kiểm soát khi nhà đầu tư tiền tệ tìm đến đồng franc trong vai trò công cụ đầu tư an toàn. Sự lên giá của đồng franc đã hủy hoại kinh tế Thụy Sỹ, nước vốn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Lời đồn chính phủ nước này sẽ neo đồng tiền vào đồng euro khiến nhà đầu tư giảm mua đồng franc trong thời gian gần đây.
Duvvuri Subbara thuộc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ
Xếp hạng năm 2011: B-
Xếp hạng năm 2010: C
Theo Dow Jones Newswires, lạm phát tại Ấn Độ vẫn cao bất chấp sự thật rằng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ không ngừng nâng lãi suất cơ bản. Tăng trưởng kinh tế đã chững lại do các biện pháp thắt chặt tài khóa, tuy nhiên ông Subbare và đồng nghiệp của ông vẫn kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Ben Bernanke thuộc Ngân hàng Trung ương Mỹ
Xếp hạng năm 2011: C
Xếp hạng năm 2010: C
Chương trình nới lỏng định lượng có số người ủng hộ và phản đối gần tương đương nhau. Quyết định giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục đã khiến Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) bị chia rẽ nhiều năm. Những người phản đối ông cảnh báo chính sách của ông sẽ có thể gây ra lạm phát.
András Simor thuộc Ngân hàng Trung ương Hungary
Xếp hạng năm 2011: C
Xếp hạng năm 2010: C
Lãi suất cao do nợ công cao đã cướp đi tăng trưởng kinh tế Hungary. Những người chỉ trích chính sách của Ngân hàng Trung ương cho rằng lãi suất này không còn phù hợp bởi lạm phát hiện đã thuộc tầm kiểm soát.
Masaaki Shirakaw thuộc Ngân hàng Trung ương Nhật
Xếp hạng năm 2011: C
Xếp hạng năm 2010: C
Reuters đưa tin Ngân hàng Trung ương Nhật thời gian gần đây đã mạnh tay kiềm chế đồng yên tăng giá, tuy nhiên sẽ vẫn còn phải chờ xem liệu các biện pháp có thành công hay không khi khủng hoảng tại châu Âu trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên các biện pháp thắt chặt chính sách tài khóa đe dọa sẽ khiến kinh tế Nhật khó hồi phục sau trận động đất khủng khiếp vào tháng 3/2011.
Kim Choongsoo thuộc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc
Xếp hạng năm 2011: C
Áp lực lạm phát có thể khiến giá cả tại Hàn Quốc ra ngoài tầm kiểm soát. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4%. Giá cả có thể tăng với mức cao hơn cả tăng trưởng GDP, xuất khẩu Hàn Quốc năm nay có năm tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử. Dù Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tuyên bố đang đưa ra các biện pháp để kiềm chế lạm phát, nỗ lực của họ không mang lại kết quả rõ ràng.
Abdullah bin Saud Al-Thani thuộc Ngân hàng Trung ương Qatar
Xếp hạng năm 2011: C-
Khi lạm phát tăng nhanh trong năm nay, chính phủ Qatar buộc phải neo tỷ giá đồng nội tệ vào đồng USD. Xét đến tình hình này, IMF khẳng định chế độ neo tỷ giá hoàn toàn hợp lý và hối thúc Ngân hàng Trung ương Qatar cố gắng tung ra đồng tiền riêng của mình.
Mercedes Marcó del Pont thuộc Ngân hàng Trung ương Argentina
Xếp hạng năm 2011: D
Xếp hạng năm 2010: D
Theo AP, Moody xếp hạng triển vọng tiêu cực với các ngân hàng cá nhân tại Achentina. Cơ quan xếp hạng tín dụng này nói đến những chính sách gây ra lạm phát cao và lãi suất thực âm nguy hiểm cho các ngân hàng. WSJ đưa tin lạm phát tại nước này lên tới trên 20%.
Ngọc Diệp
Theo TTVN
|