Hệ thống cảnh giới dưới nước (HSS) gồm các thiết bị trinh sát quang học, sonar, radar cùng khối điều khiển hiện đại là "vệ sĩ" bảo vệ các bến cảng khỏi mọi cuộc tấn công phá hoại.
Trong chiến tranh trên biển hiện đại, việc đối phó với các hạm đội tàu chiến, nhất là tàu ngầm của đối phương luôn là một việc khó khăn và khó tránh khỏi tổn thất lớn.
Do đó, các bến cảng quân sự luôn là mục tiêu đặc biệt trọng yếu dễ bị đối phương đánh phủ đầu trong một cuộc xung đột trên biển bằng các chiến thuật ít tốn kém như dùng tàu ngầm mini, biệt kích phá hoại.
Trong thời bình, bến cảng dân sự cũng là mục tiêu dễ dàng của các thế lực khủng bố để gây lên những thiệt hại nghiêm trọng.
Chính vì vậy, các hệ thống cảnh giới bảo vệ bến cảng (HSS - Harbor Surveillance System) được ra đời để bảo vệ các bến cảng, giàn khoan dầu, các khu phức hợp nổi trên mặt nước khác ...
Các bến cảng luôn là mục tiêu giá trị dễ bị phá hoại của đối phương trong chiến tranh.
Ra đời với mục đích bảo vệ các bến cảng, HSS phải đối phó được với tất cả những mối nguy cơ từ dưới nước có thể ảnh hưởng tới mục tiêu cần bảo vệ như: người nhái, các phương tiện thả người nhái, các tàu ngầm mini hoặc tàu bán ngầm, ác phương tiện xuồng cao tốc, xuồng chèo cỡ nhỏ, mìn, các thiết bị trinh sát của đối phương như các camera trinh sát quang học (CCD hoặc FLIR), sonar, radar.
Do điều kiện khác nhau của cảng và các tổ hợp ngoài khơi, hệ thống HSS phải có khả năng làm việc trong mọi điều kiện nước sâu hay nông, với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau và cả ngày lẫn đêm. Đồng thời, các thiết bị trong hệ thống phải gọn nhẹ, dễ bảo dưỡng và đơn giản trong vận hành.
Hệ thống HSS được thiết kế với mục đích bảo vệ bến cảng và các công trình trên mặt nước chống lại các âm mưu đột nhập và phá hoại.
Một hệ thống HSS đầy đủ thường bao gồm các thành phần như sau:
- Một hệ thống sonar tần số cao để phát hiện người nhái và các thiết bị lặn cá nhân, tàu ngầm mini;
- Một hệ thống gồm các camera thường và camera ảnh nhiệt để đáp ứng nhu cầu trinh sát cả ngày lẫn đêm và một hệ thống radar cỡ nhỏ.
Ngoài ra, để tăng cường khả năng cảnh giới chống xâm nhập, hệ thống HSS có thể tích hợp thêm một hay nhiều robot lặn (AUV - Autonomous Underwater Vehicle) hoạt động hoàn toàn tự động để tuần tra trong phạm vi rộng cùng lưới chống xâm nhập.
- Hệ thống lưới chống xâm nhập được tích hợp phao nổi, neo, các cảm biến chống cắt phá và cổng ra vào có thể đóng mở dễ dàng để sử dụng trong trường hợp bảo vệ các cảng tàu ngầm.
- Nếu hệ thống HSS được sử dụng tại vùng nước sâu, người ta có tích hợp thêm các sonar chủ động tần số trung bình hoặc sonar thụ động tần số thấp để hỗ trợ phát hiện tàu ngầm, tàu chiến đối phương.
- Cuối cùng, trái tim của hệ thống là trung tâm phân tích, chia sẻ dữ liệu kết nối với các lực lượng vũ trang bảo vệ khác.
Các hệ thống cảm biến quang học, sonar, radar sẽ phát hiện mọi nguy cơ đột nhập vào bến cảng.
Một trong những hệ thống cảnh giới dưới nước khá nổi tiếng có thể kể đến là hệ thống HSS của công ty DSIT, Israel.
Hệ thống này gồm một sonar có thể phát hiện thợ lặn từ khoảng cách 700 - 1.200m tùy phông thủy âm và hệ thống thở của thợ lặn; phát hiện phương tiện mang thợ lặn ở khoảng cách 2 - 5 km.
Thiết bị trinh sát quang điện tử của hệ thống cũng có khả năng phát hiện đầu của người đang bơi nổi trên mặt nước ở khoảng cách 2-3 km.
Kèm theo hệ thống là một thiết bị AUV có tầm hoạt động 70 km với vận tốc 5,5 km/h, có trang bị sonar và thiết bị trinh sát quang học. Trung tâm chỉ huy của hệ thống có khả năng tự động nhận biết, phân loại, bắt bám và phát lệnh tấn công các mục tiêu xâm nhập mà chỉ cần từ 1-2 người vận hành.
Hệ thống điều khiển của HSS hiện đại chỉ cần một đến hai người vận hành.
Về tính chất, HSS không thuộc các vũ khí sát thương nên có thể “miễn nhiễm” khá nhiều lệnh cấm bán vũ khí trên thế giới.
Chính vì vậy, đây là một món hàng rất được ưa chuộng trên thị trường vũ khí toàn cầu, nhất là trong tình trạng các tranh chấp biển đang ngày một phổ biến.
Theo tờ Korean Times, vào năm 2010, Hàn Quốc từng bán một số hệ thống cảnh giới dưới nước bảo vệ cảng HSS cho Việt Nam cùng với vũ khí bán cho các nước Đông Nam Á khác.
Đồng Tâm
(DV/tổng hợp)