"Vì sao vì lợi nhuận của một doanh nghiệp mà xã hội lại phải kề vai cùng gánh phần thiệt hại?"
Tổng cục Đường bộ vừa yêu cầu Khu Quản lý Đường bộ VII kiểm tra, lên phương án sửa chữa đảm bảo giao thông khẩn cấp đoạn quốc lộ 20 để phục vụ phát triển ngành công nghiệp nhôm khi chưa có cảng Kê Gà. Các cầu Gia Đức, La Ngà cũng được yêu cầu sửa, tăng cường để xe 40 tấn chở bauxite có thể chạy được.
Thông tin này cũng khẳng định nguồn vốn để thực hiện các việc trên lấy từ vốn sửa chữa đường bộ. Nếu thông tin này chính xác thì những bàn cãi xung quanh việc dùng tiền từ đâu để sửa chữa “con đường bôxit” đã ngã ngũ. Nó hơi gây bất ngờ, bởi trước đó chính cơ quan này đã từng có kiến nghị yêu cầu Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) – chủ đầu tư dự án bauxite (Vinacomin) nếu sử dụng xe 40 tấn thì phải bỏ tiền ra nâng cấp cầu La Ngà và cầu Gia Đức. Kiến nghị này dựa trên lập luận việc nâng cấp những cây cầu trên là phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp nhôm, theo quy định thì TKV có trách nhiệm bỏ tiền ra nâng cấp chứ không phải ngành giao thông.
Với động thái mới nhất này của Tổng cục Đường bộ, có vẻ như những ý kiến của đại diện TKV có cơ sở hơn? TKV lập luận rằng số đầu xe chở bauxite của doanh nghiệp này chỉ chiếm 1-2% trọng tải lưu thông, vì thế nếu buộc họ phải chịu toàn bộ phí sửa chữa, nâng cấp đường là không công bằng. TKV đồng ý đóng góp nhưng chỉ một phần, vì theo họ nếu phải chịu hết phần chi phí nâng cấp, sửa chữa đường thì dự án bauxite của họ không thể có hiệu quả được.
Lập luận của TKV đúng là có lý của nó. Góc độ nào đó nó phù hợp với lệ thường lâu nay ở nước ta. Trách nhiệm làm đường giao thông, duy tu, bảo dưỡng… là của Nhà nước. Nếu Nhà nước không đủ kinh phí thì có thể dùng các phương thức khác, như BOT chẳng hạn. Với cách này thì người thụ hưởng con đường, cầu cống…, hiện nay đa phần là xe ô tô các loại, phải gánh phần trách nhiệm trả dần phần kinh phí mà đơn vị đầu tư đã bỏ ra để thực hiện công trình giao thông. TKV cũng chỉ sử dụng con đường như mọi doanh nghiệp khác, vậy vì sao họ bị buộc phải làm đường, nâng cấp cầu trong khi các doanh nghiệp khác thì không?
Thế nhưng, quan điểm yêu cầu TKV phải có trách nhiệm, thậm chí phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với việc làm đường, sửa chữa nâng cấp cầu trên lộ trình mà bauxite đi qua, không phải hoàn toàn vô lý. Trước hết, nếu không có việc TKV cần sử dụng con đường, cầu để cho xe có trọng tải đến 40 tấn chở bauxite đi qua thì đây chưa hẳn là thời điểm để thực hiện các công trình đó, mà nếu có thực hiện thì cũng chưa hẳn cần đến độ chịu tải cho xe 40 tấn, chắc chắn khoản kinh phí sẽ giảm đi. Băn khoăn nhất là vì sao vì lợi nhuận của một doanh nghiệp mà xã hội lại phải kề vai cùng gánh phần thiệt hại? Giả sử Nhà nước không đồng ý nâng cấp “con đường bôxít”, đồng thời cơ quan chức năng không cho phép xe quá tải của TKV vận chuyển hàng thì sao? TKV bỏ dở dự án hay chăng?
Cân đối để hài hoà bài toán lợi ích của một doanh nghiệp, dù đó là doanh nghiệp Nhà nước, với lợi ích chung của toàn xã hội là việc cần lưu ý trong giải quyết mâu thuẫn của vụ việc này. Nhưng câu chuyện “con đường bôxít” lại một lần nữa cho thấy điểm yếu của chúng ta trong phê duyệt dự án. Rất ít khi chúng ta lường hết được những gì có thể xảy ra, dù dự án ấy có được xã hội quan tâm nhiều đến mức nào. Yếu kém nghiệp vụ hay còn gì nữa?
Trương Quốc An - ĐấtViệt