Trung Quốc vừa cho khai trương trường đào tạo tình báo thứ 8 trong loạt trường đào tạo tình báo nhằm mục đích đào tạo một đội ngũ điệp viên đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động tình báo trong tình hình mới. Với động thái này, Trung Quốc đang khiến cho các nước phương Tây và cả châu Á lo ngại về khả năng mình trở thành nạn nhân của một "siêu cường" mới trong ngành tình báo.
Trường cao đẳng Tình báo Quốc gia là một mô hình đào tạo dành riêng cho ngành tình báo Trung Quốc. Theo mô tả của báo chí nước ngoài, loại hình trường đào tạo đặc biệt này không nằm riêng biệt như một trường cao đẳng bình thường mà được lồng ghép bên trong khuôn viên của một trường đại học lớn.
Cơ quan đầu não của tình báo Trung Quốc
Chương trình đào tạo tình báo của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2008 với việc thành lập Trường cao đẳng Tình báo Quốc gia đầu tiên tại Đại học Nam Kinh. Đến năm 2010, Trường cao đẳng Tình báo Quốc gia thứ 2 ra đời tại tỉnh Quảng Đông. Từ đó, chương trình bắt đầu tăng tốc. Trường cao đẳng Tình báo Quốc gia thứ 8 của Trung Quốc vừa khai trương vào cuối tháng 6 vừa qua nằm bên trong khuôn viên Trường đại học Hồ Nam ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam.
Từ đầu năm 2011 đến nay, Trung Quốc đã khiến dư luận chú ý mạnh khi cho khai trương thêm một loạt trường tình báo bên trong các đường đại học lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An, Thanh Đảo và Harbin. Mặc dù thông tin chi tiết về hoạt động cũng như chương trình đào tạo của các trường được giữ bí mật tối đa, nhưng theo một số nguồn tin thì mỗi năm học mỗi trường cao đẳng tình báo tuyển lựa kỹ lưỡng khoảng 30 - 50 sinh viên đang theo học các ngành trong trường đại học để đào tạo bổ sung cho chuyên ngành tình báo.
Việc Trung Quốc mở rộng chương trình đào tạo tình báo quốc gia được giới chuyên môn đánh giá là bước đi tương tự như Mỹ và các nước phương Tây từng làm trước đây. Chẳng hạn, sau cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, nước Mỹ đã triển khai một chương trình có tên gọi là Chương trình Giáo dục An ninh Quốc gia nhằm mục đích tăng cường đào tạo khả năng ngôn ngữ và kiến thức về văn hóa các nước trên thế giới cho đội ngũ điệp viên hùng hậu của mình.
Còn Cơ quan Tình báo MI-5 của Anh cũng triển khai chương trình đào tạo tăng cường năng lực phân tích thông tin tình báo và kỹ năng sử dụng công nghệ mới trong hoạt động tình báo thế kỷ XXI.
Tại sao Trung Quốc lại tăng cường đào tạo ngành tình báo? Ông Cao Shujin, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Tình báo Quốc gia Trung Sơn (nằm bên trong Đại học Trung Sơn) cho biết: "Các cơ quan tình báo của Trung Quốc không có nhiều tài năng lẫn kỹ năng cần thiết. Chúng tôi cần mở một số khóa đào tạo như thế để bù đắp cho lỗ hổng này".
Theo các chuyên gia, hiện Trung Quốc đang rất cần những kỹ năng đặc biệt để tiến hành các hoạt động gián điệp trong thời hiện đại. Bên cạnh những kỹ năng tình báo truyền thống của ngành tình báo, những kỹ năng mới như công nghệ thông tin, kiến thức về luật, quản lý, báo chí, xã hội học, kể cả các kỹ năng mới về thu thập thông tin tình báo… đều rất cần để bổ sung cho đội ngũ điệp viên tương lai.
Và việc Trung Quốc tăng tốc chương trình đào tạo ngành tình báo đang khiến cho phương Tây, đặc biệt là Anh và Mỹ, lo ngại, vì 2 quốc gia này hiện cũng đang rất quan tâm lo lắng trước sự bành trướng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về quân sự và tình báo. Gián điệp Trung Quốc hiện đang là vấn đề nóng trong giới chức an ninh Mỹ sau khi đã xảy ra khá nhiều vụ án gián điệp có dính líu đến Trung Quốc trong vài năm gần đây.
Nước Anh cũng đang nghi ngờ gián điệp Trung Quốc xâm nhập vào mạng thông tin nội bộ của Bộ Ngoại giao hồi tháng 2/2011. Vấn đề đáng quan tâm nhất của nước Anh là đội ngũ rất hùng hậu các du học sinh, tu nghiệp sinh và thực tập sinh ngắn hạn của Trung Quốc được cử sang Anh mỗi năm, trong số họ khó tránh khỏi có một số người đến nước Anh không vì mục đích học tập.
(Theo CAND)