Mây phóng xạ do sự cố nhà máy hạt nhân từ Nhật Bản gây ra đang lan sang khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hạt nhân và khí tượng nhận định, Việt Nam sẽ không phải chịu ảnh hưởng gì từ hiện tượng này.
Mô phỏng đám mây phóng xạ trong các ngày 20, 21, 22/3 ở vùng Đông Nam Á. Ảnh: Vaec.gov
Số liệu quan trắc từ trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho thấy, đám mây phóng xạ đã phát tán đến 3 ba vùng là Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
"Ngày 22/3, đám mây phóng xạ sẽ chạm đến vùng đông-bắc quần đảo Phillipines, nhưng khó ảnh hưởng tới Việt Nam", thông báo ngày hôm qua (21/3) của Bộ Khoa học Công nghệ đã viết như vậy.
Theo thông báo trên, mạng lưới Trạm quan trắc phóng xạ hạt nhân của tổ chức CTBTO được xây dựng cho mục đích phát hiện các vụ thử hạt nhân, do vậy nó rất nhạy và có thể phát hiện được các hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp trong bầu khí quyển.
Tính đến chiều qua, các trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ không ghi nhận việc phát tán phóng xạ bất thường ở Việt Nam.
"Phông phóng xạ ở cỡ 0,15 microsivert/giờ đo tại Hà Nội và các số liệu đo phông phóng xạ của viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là rất bình thường", tiến sĩ Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân nói.
Cũng trong ngày hôm qua, tại Hà Nội, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân đã đo đồng vị phóng xạ cho 2 người Việt Nam là lưu học sinh ở Sendai và không phát hiện thấy có phóng xạ.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng nhận định, Việt Nam không bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ do sự cố nhà máy điện nguyên tử tại Nhật Bản.
Báo cáo của Trung tâm giải thích, từ tháng 3 đến tháng 5, hoàn lưu gió chi phối khu vực bắc châu Á là các hệ thống gió thổi theo hường từ tây sang đông, do đó, khó có khả năng các khối không khí chứa các chất bụi và các chất độc hại (trong đó có bụi phóng xạ) có thể di chuyển ngược lại về phía Tây và Tây Nam để ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
Cũng theo trung tâm, Việt Nam ta nằm ở xa về phía tây nam của Nhật Bản và nằm ở vĩ độ rất thấp so với vị trí của nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima (thuộc khu Đông Bắc Nhật Bản) nên bụi phóng xạ không thể lan đến.
Hiện sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vẫn đang trong tầm kiểm soát của chính phủ Nhật Bản. Việc bơm nước biển làm lạnh lò phản ứng và bể chứa các thanh nhiên liệu đã sử dụng bằng các xe cứu hỏa chuyên dụng đã có hiệu quả. Nhiệt độ các bể chứa nhiên liệu đã giảm và áp suất của lớp bảo vệ bê tông cốt thép của tổ máy số 3 cũng đã giảm.
(theo Khoahoc.com.vn)