
"Việt Nam: những nhà đàm phán tuyệt vời, những con người tuyệt vời, họ thích tôi. Tôi thích họ. Vấn đề là họ tính chúng tôi 90%. Chúng tôi sẽ tính họ mức thuế 46%," ông Trump nói khi công bố mức thuế đối với Việt Nam vào rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam.
Xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam chịu thuế cao hơn khoảng 10-20% so với các đối chủ chính trong khu vực, đối với các mặt hàng chính gồm đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, nội thất, theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), được báo Tuổi Trẻ trích lời.
Mức thuế mới của Trump sẽ gây khó khăn cho dệt may Việt Nam vì thuế nhập vào Mỹ của Việt Nam cao nhất, chỉ sau Campuchia và Lào. Hiện các doanh nghiệp đang lo lắng và tiếp tục theo dõi tình hình, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP HCM Phạm Xuân Hồng trên báo Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, mức thuế này được ông Ngô Sỹ Hoài - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá là 'khủng khiếp'.
Ông Hoài hi vọng Việt Nam có thể đàm phán vì mức 46% sẽ khiến các doanh nghiệp gỗ Việt Nam rất khó khăn.
Do ngành gỗ đang chịu điều tra theo mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 nên tạm thời chưa phải chịu áp mức thuế này, theo ông Hoài. Nhưng có thể sẽ chịu đánh thuế sau khi Mỹ điều tra xong.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nói với báo Tuổi Trẻ rằng mức thuế 46% gần như "chặn cửa" đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực như gỗ, thép, dệt may, thủy sản, đồ gia dụng…
Nghiêm trọng hơn, mức thuế này khiến Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Mexico, Ấn Độ, Thái Lan.
VietBF@sưu tập