
Tứ vô lượng của đạo Phật là "Từ- Bi- Hỉ- Xả".
Từ là tâm từ, yêu thương.
Bi là thương xót, thấu hiểu.
Hỉ là lòng vui, hoan hỉ.
Xả là buông bỏ, cho đi.
💍Hôn nhân từ ái
Chúng ta luôn bắt đầu một cuộc hôn nhân bằng hai chữ: Từ - Ái mà thành vợ, thành chồng, thành thân nhân với nhau.
Bắt đầu luôn là bởi cái Tâm của họ tốt với ta. Là bởi ta yêu thương họ và họ cũng yêu thương ta. Vì hai chữ Từ Ái đó mà ta quyết định gắn bó cuộc đời ta vào họ, trở thành cuộc đời của nhau.
Sao ta không giữ được cái Tâm Từ ấy sau khi cưới? Sao ta không giữ được Ái ân mà để nó phai lạt? Phải vì ta đánh mất đi chữ Từ trong ta bởi những chấp niệm. Rằng anh ấy phải thế này, cô ấy phải thế kia.
Ta cũng làm cho cái Tâm của ta hao khuyết dần, phai lạt đi chữ Từ trong Từ Ái. Bằng những yêu cầu bắt bạn đời phải theo ý mình mới được mình yêu lại. Là quyền lực của "nóc nhà", là ảo tưởng của "trụ cột".
Ta nhìn chồng với đầy rẫy lỗi lầm. Ta thấy vợ cùng muôn cái xấu xa. Chữ "Từ" trong ta đâu rồi? Sao cứ đổ lỗi tại chồng, tại vợ mà ta không thể Từ Hiền được nữa?
Hôn nhân Từ Ái có khó lắm không? Chữ Ái là cảm xúc nên có lúc trồi khi sụt nhưng chữ Từ của Tâm Từ, của lòng trắc ẩn, sự thiện lành thì sao? Không lẽ nó cũng trồi sụt theo chữ Ái?
Đâu nhẽ thế, cái tâm tốt đâu phải vì yêu nên mới đối xử với nhau tốt? Cái tâm tốt thuộc về ta kia mà? Sao vì hết yêu thì tâm ta thành xấu xa đi? Sao ta đánh mất đi chữ Từ ấy? Để thành kẻ nhẫn tâm với bạn đời, vô tâm với bạn đời?
💍Vì yêu, tặng nhau một chữ "Bi"
Ai đã từng hát câu hát của Trịnh Công Sơn: "Yêu em, lòng chợt từ bi bất ngờ" hẳn sẽ hiểu tình yêu có thể khiến chúng ta trở nên tốt đẹp xiết bao. Vì yêu người mà ta trở nên tốt đẹp và vì có tình yêu trong tim mà ta trở nên lấp lánh. Chứ đâu vì yêu mà hận.
Thứ vì yêu mà hận không phải là tình yêu, nó là sự sở hữu. Hay cả những thứ nhân danh tình yêu mà bắt người khác phải thay đổi cũng chẳng phải tình yêu. Ta yêu nhau là ta cùng đổ đầy sự tốt đẹp của mình vào tình yêu ấy, ta trở nên tốt đẹp lên. Đó mới là tình yêu thực sự. Yêu sai vì ta hiểu sai về yêu vậy.
Bi- như đạo Phật nói- là thấu hiểu, là thương xót. Nhưng sao ta chỉ muốn bạn đời phải hiểu mình mà mình không chịu hiểu bạn đời? Có hiểu mới có thương. Vì không chịu hiểu mà cái thương chẳng còn đúng nữa.
Là ta thành thương thân trách phận. Tôi vẫn nói, hôn nhân được bắt đầu từ yêu nhưng để bền lâu phải cần thương nữa. Thương xót nhau thì mới bền chặt được.
Vì yêu, tặng nhau một chữ Bi, không phải là bi luỵ mà là sự từ bi. Là bao dung. Là thấu hiểu. Là thương xót vậy.
💍 Hôn nhân hoan hỉ
Hỉ là lòng vui. Chẳng phải thế sao mà đám cưới nào cũng dán chữ Song Hỉ. Đám cưới nào cũng vui vì ta biết từ nay đã có người cùng vui với mình, cùng mình làm cho cuộc đời mình trở nên vui hơn hồi độc thân.
Hôn nhân đánh mất đi chữ Hỉ không phải vì ai đâu. Mà là vì ta. Vì ta chấp niệm. Vì ta luôn đòi hỏi thế này mới là vui, thế nọ là chưa vui. Vì ta đổ lỗi cho mưu sinh bận rộn mà cắt giảm đi nụ cười của mình.
Vì ta quên tặng nhau nụ cười từ ái. Ta để cho cuộc đời này làm méo mó nụ cười của ta. Để cho khói bụi ngoài kia làm nụ cười của ta lấm lem theo. Ta để cho cơn giận kiểm soát, triệt tiêu đi nụ cười.
Giá mà ta có thể dành cho nhau nụ cười nhiều hơn, những nụ cười chân thành, thật tâm. Tôi nghĩ, hôn nhân sẽ vì thế mà hoan hỉ hơn rất nhiều.
Hôn nhân tặng nhau một chữ Hỉ đi, từ lòng vui trong mình. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" mà, nên đừng để mình buồn, đừng để cái buồn nuốt chửng bạn nữa, bạn ơi!
💍Trước khi muốn xả tức giận...
Nhiều người hiểu sai về chữ "Xả" mà làm đau người thân và biến mình thành kẻ gớm ghiếc.
Như giận vợ nên xả vào con. Như bị người đời đối xử bất công mà đem lòng ấm ức, xả vào người thân, gia đình. Hiểu về chữ "Xả" một cách nông cạn như thể xả thải, xả bức bối. Là chỉ biết sướng cho mình (vì xả được ra), bất chấp kẻ phải nhận cảm giác thế nào.
Có kẻ còn lớn tiếng rằng: Người thân chẳng phải là người giúp ta xả bớt muộn phiền chăng? Lâu dần mà trong mắt con cái chỉ rặt sự dúm dó, sợ hãi mỗi khi thấy bố về với căng tức giận dữ, mẹ về với "mịt mù mây đen".
Những người vợ mang trái tim chằng chịt vết sẹo sau mỗi phen chồng xả giận dữ. Những người chồng chán chẳng muốn về nhà sớm vì không muốn mình thành "bao cát" trút giận của vợ.
Xả. Không phải theo nghĩa đó đâu. Xả là cho đi. Xả là buông xuống, không câu chấp. Xả là từ tâm ta mà buông những sân si, tham muốn biến mình thành kẻ ích kỷ, vô ơn. Người thân đúng là nơi để ta xả nhưng là để kể cho nhau nghe những chuyện buồn vui trong ngày.
Và người vợ giúp chồng xả bỏ bằng sự dịu dàng ở mình. Người chồng giúp vợ xả bỏ bằng sự vững chắc của mình! Là con cái giúp ta xả bỏ bằng nụ hôn của con, bằng sự trong veo của con, bằng cả tình yêu mà ta dành cho con, như điểm tựa, như vòng tay ôm ấp vậy.
Chỉ là nhiều người vẫn hiểu từ "Xả" kiểu tháo ruột, nguyên khối tức giận. Vậy có khác nào các nhà máy xả thải ra sông mà làm ô nhiễm cả dòng sông? Khác nào một đứa trẻ không vừa ý điều gì là xả thẳng bằng việc nằm lăn ăn vạ?
Chúng ta lớn rồi, chúng ta văn minh, chúng ta biết nghĩ kia mà? Sao chúng ta vẫn trẻ con như thế, cạn nghĩ như thế, kém văn minh như thế?
Đừng quên, mong đợi lớn nhất của người thân, người nhà với ta là mẹ từ hiền, bố bao dung, vợ chu tất, chồng tin cậy. Lần tới trước khi xả, hãy chậm lại một chút được không? Nghĩ cho người thân, chứ đừng chỉ biết nghĩ cho mình.
VietBF@sưu tập