Đo huyết áp ngay sau khi ăn, sai tư thế, nói chuyện hoặc cử động trong lúc thực hiện là những sai lầm thường gặp.
Tự đo huyết áp tại nhà giúp mọi người theo dõi sức khỏe tim mạch chủ động. ThS.BS Đỗ Thị Thảo, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khuyên người trên 50 tuổi, có tiền sử gia đình cao huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thừa cân, béo phì, ít vận động, ăn mặn hoặc hút thuốc, rối loạn mỡ máu, tiểu đường... nên duy trì thói quen này. Bác sĩ cũng chỉ ra một số sai lầm mà nhiều người thường mắc khi tự đo huyết áp tại nhà khiến kết quả không chính xác.
Đo huyết áp ngay sau khi ăn
Sau bữa ăn, cơ thể tập trung máu về hệ tiêu hóa để hỗ trợ quá trình hấp thu dinh dưỡng, có thể khiến huyết áp giảm nhẹ hoặc dao động. Nếu bữa sáng có cà phê, trà hoặc thực phẩm nhiều đường, muối có thể khiến huyết áp tăng tạm thời, dẫn đến kết quả sai lệch.
Bác sĩ Thảo khuyến cáo không nên kiểm tra huyết áp ngay sau khi ăn, mà nên đo vào buổi sáng sau khi vừa thức dậy và trước bữa ăn. Thời điểm lý tưởng khác trong ngày là khoảng 18-19h trước bữa tối khi cơ thể trải qua một ngày hoạt động, giúp đánh giá huyết áp trong điều kiện sinh hoạt bình thường. Người có nguy cơ tăng huyết áp về đêm nên đo chỉ số này vào lúc 20-22h trước khi đi ngủ. Nếu đã lỡ ăn thì bạn nên chờ ít nhất 30-60 phút sau ăn mới đo huyết áp để chính xác.
Không thư giãn trước khi đo
Huyết áp chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như căng thẳng, vận động hay chế độ ăn uống. Để có kết quả chính xác, bạn nên ngồi yên, thư giãn ít nhất 5 phút trước khi đo. Tránh đo ngay khi vừa leo cầu thang, ăn uống hoặc lo lắng vì kết quả có thể cao hơn thực tế.

Ngồi yên và thư giãn trước khi đo huyết áp giúp kết quả chính xác. Ảnh: Ly Nguyễn
Sai tư thế, nói chuyện và cử động khi đo
Ngồi không đúng tư thế có thể làm kết quả sai lệch. Hãy ngồi thẳng lưng trên ghế có tựa, hai chân đặt trên sàn, không vắt chéo, cánh tay mang vòng bít cần đặt ngang tim và thả lỏng, tránh căng cơ. Nói chuyện hoặc cử động trong lúc đo đều có thể làm huyết áp dao động, vì vậy nên giữ cơ thể thư giãn, ngồi im không di chuyển để đảm bảo chính xác.
Bác sĩ Thảo cũng lưu ý băng đo huyết áp quấn quanh cánh tay hoặc cổ tay nếu quá chặt hoặc quá lỏng đều có thể làm sai lệch kết quả. Mức độ ôm sát tay vừa phải, vị trí quấn cách khuỷu tay 2-3 cm là cách làm đúng.
Chỉ đo một lần trong ngày
Huyết áp không phải lúc nào cũng cố định mà có thể thay đổi theo thời gian trong ngày do hoạt động thể chất, căng thẳng, ăn uống, thời tiết hoặc giấc ngủ. Nếu chỉ đo một lần trong ngày sẽ không đánh giá huyết áp được toàn diện, vì vậy thực hiện đo ít nhất hai lần mỗi ngày vào buổi sáng, tối. Mỗi khi đo huyết áp nên thực hiện hai lần đo cách nhau khoảng 1-2 phút. Nếu hai kết quả chênh lệch nhiều hơn 5 mmHg, có thể đo lần thứ ba và lấy giá trị trung bình để chính xác nhất.
Không ghi chép kết quả
Đo huyết áp và ghi nhớ khi huyết áp bất thường không đủ cơ sở để hỗ trợ bác sĩ phát hiện vấn đề. Nên ghi lại ngay kết quả sau mỗi lần đo, tránh quên hoặc bỏ sót.
Nếu chỉ số huyết áp đo tại nhà thay đổi quá mức so với bình thường, chênh lệch giữa các lần trong ngày quá lớn (trên 30 mmHg với huyết áp tâm thu hoặc trên 15 mmHg với huyết áp tâm trương), hãy đến bác sĩ khám để được chẩn đoán bệnh.
VietBF@sưu tập