Việt Nam vẫn bồi đắp, cơi nới các đảo và bãi đá ngầm đang trấn giữ tại quần đảo Trường Sa mà một số khu vực gần hoàn tất trong thời gian kỷ lục của năm 2024.
Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) ở Washington cho hay như vậy trong một bài phân tích ngày Thứ Sáu 21 Tháng Ba. Không những mở rộng diện tích bồi đắp, Việt Nam cũng làm thêm một số bến cảng, và dấu hiệu của mấy phi đạo.
Sau khi đọc thông tin và nhìn các tấm không ảnh của AMTI, phân tích gia Derek Grossman tại trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, California, nhận xét rằng “Những gì người ta thấy đây không tốt đẹp gì cho Hà Nội”.
Tổ chức AMTI cho hay, kể từ lần cập nhật thông tin công bố hồi Tháng Sáu 2024, người ta thấy Việt Nam đã bồi đắp thêm 641 mẫu (acres) đất mới với tốc độ nhanh chóng mặt tại nhiều thực thể ở quần đảo Trường Sa mà họ trấn giữ giữa khoảng Tháng Mười Một 2023 đến Tháng Sáu 2024 khi họ bồi đắp được 692 mẫu. Như vậy đã đưa tổng số diện tích nạo hút và bồi đắp (gồm cả diện tích đất và nạo vét bến cảng) tại các khu vực biển đảo tranh chấp với các nước khác ở Biển Đông lên thành 3,319 mẫu (acres). Diện tích này so ra đã bằng khoảng 71% của diện tích Trung Quốc đã bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa với 4,650 mẫu.
Khi kể tổng số diện tích đảo nhân tạo đã được bồi đắp, Bắc Kinh vẫn dẫn đầu so với Hà Nội tại Trường Sa. Tổng số diện tích mặt đất tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp được là hơn 3,500 mẫu so với 2,360 mẫu của Hà Nội. Tuy nhiên có khoảng 1,081 mẫu trong các hoạt động bồi đắp và nạo vét của Hà Nội lại hướng đến việc tạo ra thêm 8 bến cảng mới cho các tiền đồn trấn giữ của mình. Điều này cho người ta nghĩ rằng Hà Nội muốn tăng cường khả năng tiếp vận bằng đường biển cho các thực thể mà đây mới là một trong những mục đích chính của Hà Nội khi mở rộng diện tích nạo vét và bồi đắp.
Tiếp tục bồi đắp
Các hoạt động mở mang thêm của phía Việt Nam ở nửa sau của năm 2024 tập trung vào việc hoàn tất các dự án mở rộng diện tích bồi đắp tại các thực thể đang tiến hành trước đó. Trong đó, bao gồm cả 143 mẫu mới tại đảo Thuyền Chài (Barque Canada Reef), 118 mẫu tại đảo Đá Lớn (Discovery Great reef), 125 mẫu tại đảo Đá Lát (Ladd reef), và 121 mẫu tại đảo Đá Nam (South reef). Trước kia, những thực thể này chỉ là những rạn san hô (reef) chìm dưới mặt nước, nay đã thành những đảo nhân tạo.
Một số thực thể như đảo Nam Yết (Namyit island) và đảo Sơn Ca (Sand cay) bây giờ có vẻ như các hoạt động nạo vét và bồi đắp đã hoàn tất. Nhìn sang một số thực thể khác, hoạt động nạo vét đã bắt đầu ở mặt phía bắc của Đá Núi Le (Cornwallis South reef) nhằm mở rộng diện tích đất chung quanh các tiền đồn đã có từ trước.
AMTI trước đây đã tường trình về việc xây dựng sơ khởi các cơ sở phòng thủ tại một số thực thể, tuy nhiên, người ta không thấy có bao nhiêu cơ sở mới được tiến hành từ cuối năm 2024 sang đến đầu năm 2025.
Nhìn về viễn ảnh năng lực
Những nỗ lực mở rộng của Việt Nam tại Trường Sa từ năm 2021 không phải chỉ chú trọng mở rộng diện tích đất chung quanh các tiền đồn, mà còn cung cấp những năng lực mới cho các lực lượng quân sự và hàng hải của họ. Chỉ dấu rõ rệt trên thực tế là có 8 trong 10 thực thể được mở rộng gần đây đang được nạo vét để lập các bến cảng mới.
Trước năm 2021, Việt Nam chỉ có 4 tiền đồn có bến cảng. Đó là đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island), đảo Song Tử Tây (Southwest Cay), đảo Trường Sa Lớn (Spratly Island) và đảo Đá Tây (West Reef). Từ đó đến nay, Việt Nam đã gia tăng gấp ba lần số thực thể có bến cảng nhờ nạo vét thêm bến cảng mới tại 8 thực thể gồm đảo Thuyền Chài (Barque Canada Reef ), Đá Lát (Ladd Reef ), đảo Trường Sa Đông (Central London Reef), đảo Nam Yết (Namyit Island), đảo Phan Vinh (Pearson Reef), đảo Sơn Ca (Sand Cay), Đá Nam (South Reef, và gần đây nhất là đá Tiên Nữ (Tennent Reef), nơi một bến tàu được xây dựng giữa lúc có các hoạt động nạo vét bên trong đang diễn ra bên trong đầm nước của bãi san hô.
Sự gia tăng đáng kể này về bến cảng cho lực lượng quân sự và thực thi pháp luật của Việt Nam họat động với số lượng lớn hơn và trong thời gian dài hơn trước khi phải quay trở lại đất liền. Đây là lợi thế tiếp vận mà Trung Quốc đang sử dụng để tuần tra quanh năm ở khu vực Trường Sa.
Có vẻ sự mở rộng của Hà Nội nhắm cả việc nâng cao khả năng (chiến đấu) ở quần đảo Trường Sa mà cho đến gần đây họ chỉ có một phi đạo duy nhất tại đảo Trường Sa lớn vốn quá ngắn chỉ để cho máy bay quân sự cỡ nhỏ lên xuống. Khiếm khuyết này được gỡ bỏ với phi đạo dài khoảng 2,700 mét đang được xây dựng ở đảo nhân tạo Thuyền Chài từ mùa thu năm ngoái. Hơn nữa, với chiều dài khá dài tại các đảo nhân tạo đã được bồi đắp như Đá Lát (Ladd Reef), đảo Phan Vinh (Pearson Reef) và Đá Tiên Nữ (Tennent Reef), những nơi này rất có thể cũng được làm phi đạo.
Thêm nữa, vẫn theo AMTI, có vẻ Việt Nam sẽ sử dụng các đảo nhân tạo được bồi đắp gấp rút thời gian gần đây như thế nào, nhiều phần người ta có thể biết vào thời gian tới đây. Khi vấn đề bồi đắp đã gần hoàn tất tại nhiều thực thể, giai đoạn tiếp theo của kế hoạch mở rộng của Việt Nam tại Trường Sa nhiều phần phải gồm cả việc xây dựng các cơ sở. Do vậy, chúng sẽ cho giới quan sát viên những chỉ dấu rõ rệt hơn các khả năng phòng vệ nào Hà Nội sẽ mang đến khu vực này.
Bắc Kinh tuy vẫn lặng thinh trước các hoạt động nạo vét và bồi đắp của Hà Nội, nhưng đến Tháng Hai mới đây, phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Quách Gia Khôn (Guo Jiakun) lên tiếng phản đối việc Việt Nam xây dựng phi đạo tại đảo nhân tạo Thuyền Chài. Với việc Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng thêm nhiều cơ sở phòng thủ nữa trên các đảo bé nhỏ được mở rộng, tương lai có thêm các phản ứng công khai của Bắc Kinh khó tránh khỏi.