Theo như kéo theo không ít luồng ý kiến trái chiều về Phó tổng thống JD Vance vẫn trở thành một nhân vật nổi bật trong giới chính trị và cũng khác với hình mẫu về một phó tổng thống điển hình. Sinh ra trong một gia đình lao động tại vùng Appalachia, miền Đông nước Mỹ, ông Vance đã nỗ lực và tốt nghiệp Đại học Yale danh giá.
Không phải là một nhà hoạch định chính sách quyền lực như ông Dick Cheney, cũng không nổi trội trong mảng đối ngoại như ông Joe Biden thời còn làm phó tổng thống, ông JD Vance vẫn thu hút sự chú ý của giới quan sát kể từ khi trở thành "phó tướng" của Tổng thống Donald Trump.
Trái với cựu Phó tổng thống Mike Pence, người từng phục vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng, ông Vance liên tục làm dấy lên những luồng ý kiến trái chiều bằng phong cách thẳng thắn và các phát ngôn gây tranh cãi, đặc biệt là đối với những đồng minh lâu năm ở châu Âu.
Mọi thứ thậm chí còn đi xa hơn khi ông Vance được nhận định chính là người đã châm ngòi cho cuộc "khẩu chiến" tại Nhà Trắng trong khuôn khổ cuộc hội kiến giữa hai tổng thống Trump và Volodymyr Zelensky, gián tiếp làm lỡ cơ hội sớm đạt được thỏa thuận về việc khai thác khoáng sản ở Ukraine.
Xuất phát điểm đáng chú ý
Sự nghiệp chính trị của ông Vance không đi theo khuôn mẫu điển hình. Sinh ra trong một gia đình lao động tại vùng Appalachia, miền Đông nước Mỹ, ông Vance đã nỗ lực và tốt nghiệp Đại học Yale danh giá.
Trước khi bước chân vào chính trường, ông Vance từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ và trở nên giàu có thông qua những năm tháng làm việc tại Thung lũng Silicon.
Xuất phát điểm nói trên giúp ông dễ dàng kết nối với tầng lớp cử tri ủng hộ ông Trump, những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề bởi giới tinh hoa chính trị, CNN nhận định.
Trong cuốn hồi ký "Hillbilly Elegy" (tạm dịch: Khúc bi ca từ nguồn cội) xuất bản năm 2016, ông Vance đã mô tả cuộc sống khó khăn của tầng lớp lao động Mỹ và cách họ phản ứng với sự suy thoái kinh tế do toàn cầu hóa gây ra.
Cuốn sách nói trên nhanh chóng trở thành một “cẩm nang” để hiểu về phong trào dân túy đã đưa Tổng thống Trump lên cầm quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Phó tổng thống JD Vance từng tốt nghiệp Đại học Yale danh giá. Ảnh: New York Times.
Trái với hình ảnh gắn bó hiện tại, năm 2016, ông Vance từng công khai chỉ trích ông Trump và thậm chí bị cáo buộc so sánh vị tổng thống này với Adolf Hitler.
Tuy nhiên, khi sức ảnh hưởng của ông Trump trong đảng Cộng hòa ngày càng mở rộng, ông Vance đã nhanh chóng thay đổi lập trường, trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt thành đối với nhà lãnh đạo gốc New York.
Trong vai trò phó tổng thống, ông Vance trở thành người bảo vệ mạnh mẽ cho chính sách kinh tế “nước Mỹ trên hết” (America First). Ông phản đối các thỏa thuận thương mại tự do và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Điều này giúp ông nhận được sự ủng hộ từ các cử tri lao động, những người tin rằng toàn cầu hóa đã làm suy yếu nền kinh tế Mỹ.
Lập trường có xu hướng bảo thủ của ông Vance không chỉ giới hạn trong các vấn đề kinh tế mà còn mở rộng sang chính sách đối ngoại. Chính trị gia 40 tuổi là người theo đuổi chủ nghĩa cô lập, không thấy lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ tại Ukraine, theo CNN.
Quan điểm nói trên đi ngược lại với truyền thống can thiệp trong chính sách đối ngoại của Mỹ, vốn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington.

Cuộc trò chuyện đầy căng thẳng giữa hai Tổng thống Donald Trump và Volodymyr Zelensky được cho là châm ngòi bởi phó Tổng thống JD Vance. Ảnh: Shutterstock.
Sự thẳng thắn, đôi khi đi kèm với sự khiêu khích, đã khiến ông Vance trở thành tâm điểm chỉ trích của các nhà lãnh đạo châu Âu. Ngoài việc gây tranh cãi với Ukraine, ông còn lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Anh Keir Starmer về vấn đề tự do ngôn luận, dù bị nhà lãnh đạo Anh phản bác ngay lập tức.
Đồng thời, ông Vance cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các phong trào cực hữu ở châu Âu, bao gồm cả đảng cực hữu AfD tại Đức, khiến hình ảnh của ông trong mắt các đồng minh châu Âu càng trở nên tiêu cực.
Ông Vance không phải là phó tổng thống Mỹ đầu tiên đảm nhiệm vai trò "chiến binh tấn công" trên mặt trận chính trị. Dưới thời cựu Tổng thống Richard Nixon, "phó tướng" Spiro Agnew từng được giao nhiệm vụ công kích báo chí và phe đối lập với những lời lẽ nảy lửa như "bè lũ hợm hĩnh đầy trơ trẽn" hay "những kẻ lảm nhảm tiêu cực", theo CBC.
Tuy nhiên, điều khác biệt là hầu hết phát biểu gây tranh cãi của ông Vance đến nay lại tập trung vào chính sách đối ngoại, điều mà các phó tổng thống trước đây thường để tổng thống trực tiếp xử lý.
Điều này dẫn đến câu hỏi liệu rằng chính quyền ông Trump có đang áp dụng một chiến lược đối ngoại mới, trong đó Vance đóng vai trò mũi nhọn trong việc tái định hình quan hệ với các đồng minh.
Dấu hỏi về tương lai
Với sự thông minh, tham vọng và tư tưởng chính trị rõ ràng, giới quan sát nhận định rằng ông Vance có thể trở thành một nhân vật đóng vai trò trung tâm trong nội bộ đảng Cộng hòa thời kỳ hậu Trump.
Một số nhà phân tích so sánh ông Vance với Richard Nixon thời còn là phó tổng thống trong chính quyền Eisenhower.
Cả hai đều trở thành phó tổng thống khi còn trẻ, theo đuổi lập trường bảo thủ và có mối quan hệ căng thẳng với giới tinh hoa chính trị. Ông Nixon từng sử dụng vai trò phó tổng thống để tích lũy kinh nghiệm đối ngoại và cuối cùng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968.
Những hành động và phát ngôn của phó Tổng thống Vance cho thấy ông đang tận dụng triệt để sự tự do được ông Trump trao cho, CBC nhận định.
Cựu cố vấn Nhà Trắng Bruce Reed cho rằng "quyền lực thực sự của một phó tổng thống phụ thuộc vào mối quan hệ của ông ta với tổng thống. Dây cương chỉ dài chừng nào tổng thống muốn nó dài".

Dù hiện tại gắn bó thân thiết, ông Vance từng công khai chỉ trích Tổng thống Trump hồi 2016. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể thay đổi theo thời gian. Lịch sử từng chứng kiến sự rạn nứt giữa Tổng thống Trump và cựu Phó tổng thống Mike Pence.
Khi ông Pence từ chối ủng hộ Tổng thống Trump trong những tuyên bố gian lận bầu cử năm 2020, ông ngay lập tức trở thành cái gai trong mắt cựu Tổng thống và những người ủng hộ ông.
Dù ông Vance hiện là một đồng minh trung thành của Tổng thống Trump, không tồn tại sự đảm bảo về việc vị thế này sẽ được duy trì mãi.
Trước đây, vào năm 2016, chính ông Vance từng công khai chỉ trích Tổng thống Trump, gọi các chính sách của ông là "phi đạo đức và vô lý". Nhưng chỉ vài năm sau, ông lại quay sang ủng hộ Trump một cách mạnh mẽ, cho rằng vị tỷ phú gốc New York đã giúp ông "mở mắt về sự băng hoại ở Washington".