Bộ Trưởng Giáo Dục Linda McMahon công bố những "nhiệm vụ cuối cùng" cho Bộ Giáo Dục trong thời điểm chính phủ Tổng thống Donald Trump dường như đang tạo ra tiền đề cho việc giải thể cơ quan này.
Trong những tháng sắp tới, bà McMahon sẽ đưa ra kế hoạch cho cuộc cải tổ lịch sử tại Bộ Giáo Dục, tác động lên nguồn nhân lực, ngân sách và hoạt động nội bộ trong cơ quan.
Trong bản tường trình về định hướng theo con đường phía trước được đăng trên trang mạng của Bộ Giáo Dục hôm thứ Hai, 3 tháng Ba, bà McMahon, cựu giám đốc Cơ Quan Quản Lý Tiểu Thương SBA kiêm người đóng góp tài trợ cho Trump trong chiến dịch tranh cử tuyên bố,
"Phụ huynh là người đưa ra quyết định chính trong việc giáo dục con cái".
Bộ Trưởng Giáo Dục Linda McMahon ở Điện Capitol ngày 4 tháng Ba, 2025 tại Washington, D.C. (Ảnh: Tierney L. Cross/Getty Images)
Bà nói thêm,
"Một nền giáo dục hình thành từ tiền thuế của người dân nên quay lại tập trung vào chính sách dạy học có ý nghĩa trong các môn toán, tập đọc, khoa học và lịch sử, chứ không phải các chương trình DEI gây chia rẽ cũng hệ tống tư tưởng về phái tính"
Theo các chuyên gia DEI, sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập được khởi xướng ra nhằm giải quyết và chỉnh đốn các chính sách hoặc hành vi kỳ thị có thể xuất hiện trong một tổ chức.
Quyền của cha mẹ và các chủ đề gây chia rẽ từng là những vấn đề nhức nhối ở cấp tiểu bang suốt nhiều năm liền và mau chóng ảnh hưởng đến toàn Hoa Kỳ, trong đó có cuộc tranh luận gay gắt diễn ra trong những năm gần đây có liên quan đến các chương trình phiếu giảm giá học phí, kiểm soát nội dung chặt chẽ, lệnh cấm một số loại sách, vân vân.
Kế hoạch do bà McMahon đề ra tuân theo các chính sách cải cách giáo dục do Tổng thống Trump đề nghị từ lúc tham gia tái tranh cử. Một trong những đề nghị này gồm có mở rộng các chương trình phiếu giảm giá học phí, vốn là chủ đề chính trong giáo dục dưới thời chính phủ Trump, và được coi là cơ hội để phụ huynh có tiếng nói hơn trong việc quyết định cho con đi học ở trường nào.
Theo chương trình phiếu giảm giá học phí, các gia đình có thể sử dụng quỹ công lập để trả học phí tại trường tư thục, cũng như được học tại nhà và tham gia vào các cơ hội giáo dục tương tự.
McMahon cũng đồng tình với những nỗ lực do chính phủ Trump thực hiện nhằm hạn chế thảo luận một số chủ đề nhất định, chẳng hạn như sắc tộc, phái tính, cũng như chính sách DEI từ mẫu giáo cho tới lớp 12 (K-12) và giáo dục cấp đại học.
Vào tháng Giêng vừa qua, sau khi lên nhiệm chức, Trump cũng cho ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm tìm cách giảm bớt nguồn tài trợ liên bang trong các trường dạy một số chủ đề liên quan đến sắc tộc, phái tính, hoặc chính trị.
Bộ Giáo Dục đưa ra bản ghi nhớ trong thời điểm các nguồn tin nói với
ABC News rằng, tổng thống dự định ban hành một sắc lệnh hành pháp ngay trong tuần này, kêu gọi McMahon cải tổ Bộ Giáo Dục cũng như làm việc với Quốc Hội nhằm thông qua luật định cho dẹp bỏ cơ quan này.
Bộ Giáo Dục, nơi phụ trách và điều hành giáo dục liên bang, gồm có các khoản
trợ cấp Title I và Pell, được thiết lập ra dưới thời Tổng thống Jimmy Carter hồi năm 1979 và chính thức đưa áp dụng từ năm 1980. Bộ Giáo Dục tuyên bố từ lâu rằng chương trình giảng dạy giáo dục, cũng như các yêu cầu tốt nghiệp và chiêu sinh, đã được các tiểu bang và cộng đồng địa phương đưa ra quyết định.
Nhưng Trump lại khởi xướng chiến dịch
"Agenda47" nhằm cho giải thể Bộ Giáo Dục.
"Chúng tôi sẽ dẹp bỏ Bộ Giáo Dục tại Washington D.C. và trao quyền hành cho tiểu bang, đó mới chính là nơi cơ quan này thuộc về, đồng thời để cho các tiểu bang trực tiếp điều hành hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, và đó là điều hiển nhiên", Trump nêu rõ trong kiến nghị.
Trừ phi Quốc Hội thông qua một đạo luật mới, Bộ Giáo Dục mới bị xóa bỏ, nhưng Trump lại có phạm vi quyền hành pháp trực tiếp trong nguồn tài trợ và các chính sách mục tiêu tại Bộ Giáo Dục.
ABC News đã liên lạc với Bộ Giáo Dục để yêu cầu được bình luận thêm.