Theo như đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV mới đây đưa tin về nội dung cuộc điện đàm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về thương mại, TikTok và các chủ đề khác khiến cả hai đều hy vọng về khởi đầu tích cực trong quan hệ giữa hai nước.
"Tôi vừa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cuộc gọi rất tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc. Tôi kỳ vọng rằng chúng tôi sẽ có thể cùng nhau giải quyết rất nhiều vấn đề và đang bắt đầu điều đó ngay lập tức", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thông báo trên mạng xã hội Truth Social hôm nay.
Ông cho biết hai lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề thương mại, thuốc giảm đau gây nghiện fentanyl, TikTok và nhiều chủ đề khác. "Chủ tịch Tập và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để khiến thế giới trở nên hòa bình và an toàn hơn", Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV sau đó đưa tin về nội dung cuộc điện đàm. Chủ tịch Tập nói cả ông và Tổng thống đắc cử Trump đều hy vọng về khởi đầu tích cực trong quan hệ giữa hai nước. "Trung Quốc và Mỹ có lợi ích chung và không gian hợp tác rộng lớn, có thể trở thành đối tác và bạn bè, cùng nhau đạt được thành công, cùng nhau thịnh vượng, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và thế giới", ông Tập nói.
Ông cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh và Washington là hai nước lớn với những điều kiện khác nhau, nên sự khác biệt là "không thể tránh khỏi". "Mấu chốt là tôn trọng các lợi ích cốt lõi và mối quan ngại lớn của nhau, tìm cách để giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng", Chủ tịch Trung Quốc cho hay.
Lãnh đạo Trung Quốc nói quan hệ thương mại song phương có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên mà không cần phải xảy ra "đối đầu hay xung đột", tương tự bình luận ông từng đưa ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Chủ tịch Tập cũng nêu quan ngại của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, bày tỏ hy vọng phía Mỹ xử lý vấn đề này một cách cẩn trọng. Ông Trump và ông Tập còn thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có xung đột tại Ukraine và Israel - Palestine.
CCTV cho biết ông Trump nói trân trọng quan hệ với ông Tập, bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục duy trì đối thoại song phương. Tổng thống đắc cử Mỹ cũng mong đợi gặp Chủ tịch Trung Quốc sớm nhất có thể.
Ông Donald Trump (trái) và ông Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi Trung Quốc thông báo ông Tập sẽ cử Phó chủ tịch Hàn Chính tới Washington để dự lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1. Sự hiện diện của ông Hàn sẽ đánh dấu lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ. Trung Quốc trước đây thường cử đại sứ tới dự sự kiện này.
Ông Trump đã phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, khi áp thuế nặng với hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tổng thống đắc cử Mỹ đe dọa sẽ ban hành các biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ lần này, cáo buộc Bắc Kinh có hành vi thương mại không công bằng và đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng fentanyl tại Mỹ.
Chủ tịch Tập tháng 12/2024 cho biết Trung Quốc sẵn sàng tham gia đối thoại và mở rộng hợp tác với Mỹ, song cảnh báo sẽ "không có bên nào chiến thắng" trong chiến tranh thương mại.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 15/1, Marco Rubio, người được ông Trump đề cử làm ngoại trưởng Mỹ, gọi Trung Quốc là "kẻ thù ngang hàng nguy hiểm nhất mà Mỹ từng phải đối mặt". Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó chỉ trích phát biểu của ông Rubio.
"Phía Mỹ cần phải có nhận thức đúng đắn về Trung Quốc, ngừng các cuộc tấn công và chiến dịch bôi nhọ không có cơ sở nhằm vào Bắc Kinh", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun nhấn mạnh.
Mạng xã hội TikTok đang cận kề hạn chót phải cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc hoặc bị cấm hoàn toàn ở Mỹ. Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA) mà Tổng thống Joe Biden ký ban hành tháng 4/2024 ấn định thời điểm này là ngày 19/1, ngay trước khi ông Trump nhậm chức.
Tổng thống đắc cử Trump gần đây lên tiếng ủng hộ TikTok, làm dấy lên đồn đoán ông có thể tìm cách giúp ứng dụng này thoát lệnh cấm ở Mỹ. Tờ Washington Post đưa tin ông Trump đang cân nhắc ký sắc lệnh đình chỉ thực thi lệnh cấm trong 60-90 ngày, nhưng không rõ sẽ dựa trên cơ sở pháp lý nào.