Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tel Aviv (TAU) của Israel đã phát triển một phương pháp mới để tiêu diệt các khối u ung thư, trong đó bao gồm cả những khối u đã kháng lại các liệu pháp miễn dịch hiện có.
Ung thư là một bệnh nguy hiểm. Ảnh minh họa
Theo báo cáo nghiên cứu công bố ngày 30/10 trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cơ chế ngăn cản hệ thống miễn dịch tấn công vào khối u. Họ nhận thấy rằng việc đảo ngược cơ chế này có thể kích thích hệ miễn dịch, giúp hệ miễn dịch chiến đấu hiệu quả với các tế bào ung thư, bao gồm cả những loại được coi là kháng với các hình thức điều trị miễn dịch hiện tại.
Để hiểu rõ hơn, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá cách thức tiếp xúc với bức xạ cực tím (UV) ức chế hệ thống miễn dịch, với hy vọng áp dụng những phát hiện này vào điều trị ung thư. Qua các thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học đã bất ngờ phát hiện một sự gia tăng đáng kể về mức độ của một loại protein tên là Ly6a. Khi tiếp xúc bức xạ UV, các tế bào T của hệ miễn dịch - những “chiến binh” chủ chốt trong cuộc chiến chống lại ung thư - bắt đầu thể hiện nồng độ protein Ly6a cao. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng Ly6a hoạt động như một "chiếc phanh", qua đó bức xạ UV ức chế hoạt động của hệ miễn dịch để ngăn ngừa sự hoạt động quá mức. Khi "nhả phanh" Ly6a, hệ miễn dịch có thể được kích hoạt một cách tối ưu.
Tiếp theo, nhóm đã điều trị ung thư bằng các kháng thể chống Ly6a, khiến kích thước khối u giảm đáng kể. Đặc biệt, các khối u kháng lại các phương pháp điều trị thông thường cũng có phản ứng với các kháng thể Ly6a.
Các nhà khoa học đánh giá rằng phát hiện này có thể mở ra con đường cho việc phát triển các loại thuốc mới hiệu quả chống lại ung thư, dựa trên việc tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch.