Trong thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) có thành phần nicotin dễ gây nghiện và gia tăng số người sử dụng, đặc biệt là trong giới trẻ đang có xu hướng tăng. Thời gian qua, không ít người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó cả nam và nữ lứa tuổi học sinh, sinh viên.Đến các quán cà phê hay đi trên đường phố ở TP Hồ Chí Minh, chúng ta dễ thấy hình ảnh những người phì phèo thuốc lá điện tử nhả khói mịt mù. Để mua thuốc là điện tử không quá khó, chỉ cần lên mạng tìm là thấy liền và đặt mua online nhanh chóng.Ngành công nghiệp thuốc lá ngày càng nhắm đến giới trẻ, đặc biệt là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên thông qua các chiến lược quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị thuốc lá, trên các nền tảng mạng xã hội. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thường được quảng cáo là sản phẩm tiêu dùng "giảm rủi ro", "không khói thuốc", "được xã hội chấp nhận" dưới chiêu trò là một sản phẩm thay thế lành mạnh hơn đã góp phần bình thường hóa việc hút thuốc và tăng mức độ tiếp xúc, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, hành vi, tinh thần của giới trẻ.
Chị N.T.H. ở TP Thủ Đức cho biết, con trai chị học lớp 7 một trường phổ thông cơ cở tư thục, năm học vừa qua nhà trường 2 lần mời chị đến để trao đổi việc con trai chị sử dụng thuốc lá điện tử. Con chị khai với thầy giáo là bạn nhờ đưa giùm vào để bạn sử dụng, chứ con chị không sử dụng. Con trai chị H. cho hay, việc sử dụng thuốc lá điện tử chủ yếu để thể hiện cho oai chứ không biết là tác hại như thế nào. Được biết, nhà trường đã tạm đình chỉ một học sinh nhiều lần sử dụng thuốc lá điện tử, mặc dù đã làm cam kết không sử dụng.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3%, tiếp theo là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%). Ở nữ giới tuổi từ 11 - 18 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay số trẻ từ 13 - 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đang nhiều hơn so với số người trưởng thành tại tất cả các quốc gia thành viên của WHO. Các sản phẩm thuốc lá mới làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine ở giới trẻ. Do đó, WHO đã kêu gọi các quốc gia thực thi những biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát sản phẩm này.
Theo các nhà nghiên cứu, thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ tăng tiếp xúc với kim loại, nhất là phơi nhiễm chì và urani, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của não, các cơ quan khác trong cơ thể; làm giảm mức độ thông minh, khả năng tập trung và kỹ năng xã hội của trẻ.
Phát biểu tại một Hội nghị Nâng cao năng lực phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2024 mới đây, BS CKI. Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho rằng, hút thuốc lá hiện là một mối đe dọa sức khỏe hàng đầu toàn cầu, gây ra sự gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm, tỷ lệ tử vong và tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và xã hội. Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, đặc biệt là nam giới. Thống kê cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam là 42,3%, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia và Lào.
Trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có nicotine và các hóa chất độc hại, ảnh hưởng tới não bộ, làm tăng nhịp tim và huyết áp, tăng đường máu. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất tạo hương vị hoa quả, kẹo trong dung dịch thuốc lá điện tử với cách quảng cáo về sự sành điệu rất dễ dàng lôi kéo các bạn trẻ thử thuốc lá điện tử. Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời cũng làm tăng nguy cơ dẫn tới sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở người trẻ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác truyền thông phổ biến thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới học sinh, sinh viên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong môi trường học đường. Hãy "Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng" để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
|
|