Siêu bão Shanshan vẫn đang “tung hoành ngang dọc” tại Nhật Bản. Nhà chức trách đang tiến hành các biện pháp hỗ trợ người dân vượt qua hiểm cảnh, song song với việc thống kê các thiệt hại. Có những thiệt hại có thể đong đếm bằng số người thương vong hoặc một khoản tiền khổng lồ nào đó, nhưng có nhiều thiệt hại không thể có cách gì định lượng được.
Giữa giờ sáng giờ địa phương, Tokyo đang dần thành tâm bão. Tin tức về bão lũ đến dồn dập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Số người chết tính đến đêm qua đã lên tới 6 người, 1 người mất tích, 121 người bị thương, hơn 1.000 chuyến bay bị hủy, hầu hết các chuyến tàu cao tốc (Shinkansen) tê liệt, gây ảnh hưởng cho hơn 300.000 hành khách, hơn 1 triệu người phải đi lánh nạn, tất cả các địa phương đều bị đặt trong tình trạng báo động cao nhất,...
Siêu bão Shangsan ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
“Bất an”, “Lo lắng”, “Sợ hãi”... là những từ khóa có thể lột tả tâm trạng của đa số người dân Nhật Bản trong thời gian hiện tại. Cùng một cơn bão, những nỗi lo sợ của mỗi người khác nhau. Người ở vùng bão đang tấn công là nỗi sợ hãi về tính mạng và tài sản, người bị kẹt lại các nhà ga, sân bay thì lo về những ảnh hưởng tới lịch trình học tập, làm việc, người ở vùng tương đối an toàn thì là nỗi lo thiếu lương thực, thực phẩm, nhất là khi suốt mấy tuần qua, gạo không đủ ăn, sau bão lại sẽ đến nỗi lo về mất mùa, dịch bệnh... Còn các bạn trẻ chưa đủ kinh nghiệm đang bị kẹt lại trong hành trình không mong muốn, phải dùng thêm một từ nữa để mô tả. Đó là “sự hoang mang”.
Một sinh viên đến từ Osaka bị kẹt lại Tokyo do không có tàu bộc bạch: “Mai cháu có giờ học rồi mà không có tàu. Cháu không có chỗ nghỉ và không đủ tiền để nghỉ, cũng không liên lạc được với gia đình. Cháu thật không biết làm thế nào”
Sự hoang mang của bạn trẻ này mới chỉ là một phía của một sự khắc khoải bao trùm không gì mô tả được của những ông bố, bà mẹ mong con về, thậm chí, chỉ mong một tin nhắn báo bình an từ nơi tâm bão mà không có được. Một bà mẹ đã mất liên lạc với con mình hơn 36 tiếng đồng hồ nói như thế này.
“Đang nghe điện thoại của cháu thì bị mất sóng giữa chừng. Tôi vẫn nghĩ là cháu sẽ về. Đến 3h sáng nay tôi ra công viên đầu nhà chờ mãi mà không cháu. Chẳng nhẽ lại báo cảnh sát là cháu mất tích chăng. Con ơi, gọi về cho mẹ đi!!!”
“Địch họa, thiên tai” vốn là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với con người, không phân biệt quốc tịch, màu da, biên giới, đẳng cấp. Ở Nhật Bản, chiến tranh đã lùi xa hơn 79 năm, nên nối lo “địch họa” hầu như chỉ còn trong ký ức của người già và sách giáo khoa lịch sử của lớp trẻ. Còn “thiên tai” vốn chỉ được biết tới từ những trận động đất và sóng thần, tuy rằng rất nghiêm trọng, nhưng chỉ tập trung ở một vài khu vực.
Còn lần này, cơn giận dữ của thiên nhiên trải dài cả nước, để lại những vết thương không thể chữa lành trong ngày một ngày hai và di chứng thì không thể lường hết được. Hy vọng rằng với sức chống chịu vốn có, những người dân xứ Hoa Anh Đào sẽ sớm lấy lại sự bình an trước bão.
VietBF@ sưu tập