Đổ mồ hôi ban đêm, đặc biệt khi ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư, bệnh truyền nhiễm, tiền mãn kinh, hạ đường huyết, béo phì, stress và căng thẳng mãn tính.
Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, trong cơ thể con người có hai hệ thần kinh thực vật tác dụng đối kháng nhau là hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm tác dụng tăng tiết mồ hôi, còn hệ phó giao cảm làm giảm tiết mồ hôi. Khi hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh sẽ thúc đẩy các tuyến mồ hôi thải ra nhiều hơn.
Đổ mồ hôi là một phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại việc gia tăng nhiệt độ. Tuy nhiên, có những lúc cơ thể không hoạt động mà vẫn đổ mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm, có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm.
Ung thư
Theo các bác sĩ, chứng đổ mồ hôi về đêm là một triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư, thông thường là u lympho. Nếu bạn thấy mồ hôi ra quá nhiều vào ban đêm và kèm theo một số dấu hiệu như giảm cân đột ngột và sốt thì nên nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe.
Bệnh truyền nhiễm
Một căn bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm đó là bệnh lao. Những bệnh nhân này thường ra nhiều mồ hôi vào ban đêm hơn người bình thường.
Ngoài ra, đổ mồ hôi đêm cũng là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm như: viêm nội tâm mạc (viêm van tim), viêm tủy xương và có thể là triệu chứng của căn bệnh thế kỷ HIV (AIDS).
Tiền mãn kinh
Độ tuổi tiền mãn kinh của phụ nữ có thể bắt đầu từ 40. Vào thời điểm này, do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, khiến chị em có thể đổ mồ hôi. Nhiều bệnh nhân càng cảm thấy lo âu, mất ngủ, gây stress và nhiều vùng da mẩn đỏ.
Tuy nhiên, điều này không đáng lo sợ, tốt nhất bạn nên cung cấp cho cơ thể đủ lượng nước đã mất và dùng khăn khô, mềm lau sạch mồ hôi để tránh da không bị nhiễm khuẩn.
Hạ đường huyết
Nhiều người được hỗ trợ bởi insulin và thuốc trị đái tháo đường có thể thấy cảm giác bất an xảy ra vào ban đêm kèm đổ mồ hôi nhiều. Ngoài ra, tuyến mồ hôi phụ thuộc vào hệ thần kinh trung ương, vì vậy khi lượng đường trong máu thấp cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các dây thần kinh dẫn đến việc đổ mồ hôi.
Người bệnh còn một số biểu hiện khác như: loạn nhịp tim, run tay và chân, chóng mặt, mất ý thức, thậm chí có thể hôn mê.
Bệnh béo phì
Người béo phì thường có thân nhiệt cao hơn người cân nặng bình thường, bởi vì lượng mỡ dưới da của họ quá dày. Nhóm này có xu hướng đổ mồ hôi nhiều hơn kể cả lúc nghỉ ngơi. Vì vậy, người béo phì nên chọn một chế độ ăn kiêng giảm cân để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Stress và căng thẳng mãn tính
Căng thẳng trong công việc và cuộc sống hàng ngày theo bạn cả vào trong giấc ngủ. Điều này có thể gây ức chế hoạt động các dây thần kinh, thậm chí có người còn gặp "ác mộng" khiến tuyến mồ hôi hoạt động mạnh.
Ngoài ra, những cảm xúc hồi hộp, lo lắng và tình huống căng thẳng sẽ phóng thích adrenaline vào hệ tuần hoàn, khiến bạn tiết mồ hôi nhiều hơn.
VietBF@sưu tập
|