Bệnh viện Bạch Mai báo động các bệnh nhân ở lứa tuổi cấp 2 chuyển lên cấp 3 phải vào cấp cứu vì chảy máu dạ dày ngày càng tăng và tái phát nhiều lần.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trong thời gian qua Trung tâm liên tiếp có các trường hợp bệnh nhân tuổi học sinh vào cấp cứu vì xuất huyết dạ dày.
Điển hình là bệnh nhân H.M.T. (16 tuổi, trú Ninh Bình) vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai vào cuối tháng 6/2024 với các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài phân đen, đau bụng. Qua nội soi và làm các xét nghiệm, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do loét hoành tá tràng có nhiễm vi khuẩn HP.
Tháng 4/2024, bệnh nhân này đã phải vào bệnh viện địa phương điều trị 2 tuần với tình trạng tương tự. Sau 2 tháng, bệnh lại tái phát với những biểu hiện nặng nề hơn.
Trường hợp khác là bệnh nhân K.L. (13 tuổi, Hà Nội) cũng nhập viện cấp cứu do tái phát bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Bệnh nhân này có tiền sử xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng có nhiễm vi khuẩn HP.
Theo nghiên cứu của Hội Tiêu hóa - Gan mật Việt Nam, vi khuẩn HP lây qua đường ăn uống, thói quen hôn trẻ cũng dẫn tới tỷ lệ mắc cao. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm ở người trưởng thành lên đến 70%, có trường hợp cả nhà cùng mắc vi khuẩn này.Bác sĩ Hiếu cho biết xuất huyết dạ dày ở trẻ em thường có nhiều biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân máu kèm các biểu hiện khác như đau bụng, nuốt đau, ợ hơi, ợ chua, ăn kém, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, sụt cân, da tái nhợt, xanh xao.
Cách phòng bệnh viêm dạ dày:
- Chế độ ăn uống khoa học: Hạn chế sử dụng nhiều chất kích thích (bia, rượu, cà phê), đồ cay nóng, chiên xào. Ăn đúng bữa, nhai kỹ.
- Sinh hoạt điều độ: ngủ đủ giấc, không thức quá khuya, nghỉ ngơi sau khi ăn.
- Không lạm dụng quá nhiều thuốc như thuốc giảm đau, chống viêm.
- Hạn chế tình trạng stress, căng thẳng, sợ hãi kéo dài do áp lực tinh thần từ việc học hành, thi cử.
Cách phòng nhiễm vi khuẩn HP:
- Tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân, tránh ăn chung.
- Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên có một chiếc muỗng sạch để xúc thức ăn vào bát riêng.
- Khi gắp đồ ăn, tránh để đũa chạm vào những phần thực phẩm còn lại, gắp nhanh và dứt khoát.
- Không nên dùng chung ly, cốc.
- Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không liếm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy.
- Hạn chế ăn uống ở hàng quán, vỉa hè.
|