1/7, chính thức tăng lương cơ sở 30% (từ 1,8 triệu đồng/ tháng lên 2,34 triệu đồng/ tháng) tạo tiền đề để tăng thu nhập cho người lao động trên cả nước. Bởi lẽ, tăng lương cơ sở không chỉ tác động đến đối tượng hưởng lương từ ngân sách, mà những người làm việc trong các doanh nghiệp theo chế độ thù lao thỏa thuận cũng được nâng cao vì lương tối thiểu vùng tăng 6%. Nghĩa là mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ ở con số tương đương 4,96 triệu đồng/ tháng.
Nếu cán bộ, công chức đương nhiệm được tăng lương cơ sở 30% thì lương hưu được tăng 15%, trợ cấp ưu đãi người có công được tăng 35,7% và trợ giúp xã hội cho người khó khăn được tăng 38,9%. Có thể khẳng định, đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, khi bức tranh tài chính toàn cầu vẫn chưa phục hồi khả quan sau đại dịch Covid-19.
Căn cứ để tăng lương cơ sở luôn dựa vào hai yếu tố, thứ nhất là chỉ số giá tiêu dùng CPI, thứ hai là tăng trưởng kinh tế GDP. Khi CPI biến động và khi GDP điều chỉnh thì không thể không tăng lương cơ sở. Hai thập niên vừa qua, Việt Nam đã có tổng cộng 14 lần tăng lương cơ sở, trong đó không ít lần quá trình tăng lương cơ sở đã kéo theo lạm phát.
Ví dụ, năm 2008, tăng lương cơ sở 20% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%. Hoặc năm 2011, tăng lương cơ sở 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 16,8%.
Vì vậy, bài toán kép phải thực hiện là vừa tăng lương cơ sở vừa kiềm chế lạm phát, mới mong cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân.
Đợt tăng lương cơ sở từ 1/7/2024 cũng có nhiều dự báo thị trường cần quan tâm nghiêm túc. Bảo đảm nguồn cung hàng hóa một số nhu yếu phẩm, sẽ tránh được tình trạng “nâng giá theo lương”. Đồng thời, quản lý chặt chẽ biểu giá khung của các dịch vụ giáo dục và y tế, sẽ giúp cộng đồng khỏi mệt mỏi chống đỡ việc tăng chi phí an sinh một cách bất thường. Ít nhất, không thể áp dụng tăng học phí và tăng lệ phí khám chữa bệnh, ngay sau thời điểm tăng lương cơ sở.
Đành rằng, Việt Nam chưa phải một quốc gia giàu có để người lao động được thụ hưởng sự sung túc từ tiền lương. Cho nên, tăng lương cơ sở đang tạm đáp ứng mức sống cơ bản mà thôi. Muốn người lao động không loay hoay với những chật vật co kéo để dung hòa các chi phí đắt đỏ, thì bắt buộc có thêm nhiều chính sách kịp thời hơn nữa. Tại sao tăng lương cơ sở mà chưa tăng mức chịu thuế thu nhập cá nhân? Mặt khác, khi đã tăng lương cơ sở thì cũng nên tăng mức giảm trừ gia cảnh theo tỷ lệ hợp lý.
Hiện nay, dù không có thống kê đầy đủ, thì ai cũng có thể nhận ra, thu nhập từ tiền lương của người lao động chỉ đủ trang trải cái ăn, cái mặc hàng ngày. Thật đáng ưu tư cho tương lai, khi kế hoạch chi tiêu của người lao động hoàn toàn không có những khoản đầu tư để nâng cao trình độ và phẩm chất mỗi cá nhân, như tiền mua sách, tiền xem phim, tiền du lịch, tiền tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm về giá trị hạnh phúc…
Lê Thiếu Nhơn
|