Ngày 20/6, một nhóm nhà khoa học khí hậu quốc tế cho biết nắng nóng gây chết người bao trùm Mỹ, Mexico và Trung Mỹ gần đây có khả năng tăng gấp 35 lần do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Người dân tránh nóng bên hồ tại Chicago, Mỹ, ngày 17/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong nghiên cứu, nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, đã phân tích 5 ngày và đêm liên tiếp nóng nhất trong một "vòm nhiệt" kéo dài ở phía Tây Nam của Mỹ, Mexico, Guatemala, Belize, El Salvador và Honduras vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm nay. WWA tiên phong sử dụng các mô hình khí hậu để hiểu cách các sự kiện cực đoan này thay đổi như thế nào trong một thế giới ấm hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Họ kết luận rằng sự nóng lên do con người gây ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã khiến nhiệt độ tối đa 5 ngày nóng hơn khoảng 1,4 độ và hiện tượng này có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 35 lần. Khả năng xuất hiện những mức nhiệt cao như vậy tại các khu vực trên vào tháng 5 và 6 năm nay lớn hơn 4 lần so với 25 năm trước.
WWA nhấn mạnh hiện không có bức tranh toàn cảnh về các ca tử vong liên quan nắng nóng, vì những trường hợp này thường chỉ được xác nhận và báo cáo sau nhiều tháng kể từ khi xảy ra sự việc. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo, nếu con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch trong thời gian tới, những hiện tượng cực đoan như vậy có thể trở nên thường xuyên hơn nữa và dự báo sẽ có thêm hàng triệu người sẽ phải tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm trong tương lai.
Nhiệt độ cao là thời tiết khắc nghiệt gây tử vong nhiều nhất nhưng các chuyên gia cho biết thường bị đánh giá thấp, đặc biệt là trẻ em, người già và người làm việc ngoài trời. Tại Mexico và Trung Mỹ, tác động của nhiệt độ cao tăng lên do điều kiện nhà ở kém, khả năng tiếp cận dịch vụ làm mát hạn chế và đối với những người sống trong các khu dân cư không chính thức. Nhiệt độ cao cũng đe dọa đến sự ổn định của nguồn cung cấp điện, vốn rất quan trọng đối với hoạt động của các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Năm nay là năm nóng nhất được ghi nhận và nhiều vùng rộng lớn trên thế giới đã phải hứng chịu nhiệt độ cao trước khi bắt đầu mùa hè ở Bắc Bán cầu.
Hy Lạp ghi nhận đợt nắng nóng sớm nhất từ trước đến nay. Ấn Độ hứng chịu đựng một tháng nắng nóng thiêu đốt. Nhiệt độ kỷ lục đã khiến 125 người tử vong ở Mexico và hàng nghìn người say nắng. Mỹ đang phải đối mặt với cháy rừng và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, tại Saudi Arabia, hơn 900 người đã tử vong khi tham dự lễ hành hương Hajj năm nay, chủ yếu do nắng nóng khắc nghiệt với nhiệt độ ở Mecca lên tới 51,8 độ C.
VietBF@ sưu tập