Ngoại hành tinh Gliese 12b có cả bầu khí quyển giống Trái Đất và quay quanh một ngôi sao lùn đỏ lạnh.
Theo Sci-News, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Masayuki Kuzuhara đến từTrung tâm Sinh học vũ trụ (Tokyo - Nhật Bản) đã xác định được Gliese 12b trong bộ dữ liệu khổng lồ mà Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh quá cảnh (TESS) của NASA thu thập được.
Gliese 12b và ngôi sao mẹ màu đỏ - Ảnh đồ họa: NASA
Gliese 12b có chu kỳ quỹ đạo là 12,76 ngày quanh ngôi sao mẹ của nó và nhiệt độ cân bằng khoảng 42 độ C, tức ấm hơn Trái Đất khá nhiều (nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất là 15 độ C).
Tuy nhiên, 42 độ C vẫn đủ để Gliese 12b sở hữu nước lỏng trên bề mặt và có nhiều vùng ôn đới thích hợp với sự sống, ngay cả các dạng sống "mong manh" kiểu Trái Đất.
Nó nhận được năng lượng từ ngôi sao mẹ nhiều hơn 1,6 lần so với Trái Đất nhận từ Mặt Trời và khoảng 85% những gì Sao Kim trải qua.
Tuy vậy, Gliese 12b có một bầu khí quyển đáng kể, có thể tác động đến nhiệt độ bề mặt. Nhiệt độ được tính toán ở trên là chưa tính tới lớp khí quyển này.
Các tính toán cũng cho thấy hành tinh này có kích cỡ bằng với địa cầu hoặc nhỏ hơn một chút, cỡ Sao Kim, thêm một yếu tố nữa ủng hộ khả năng sống được của hành tinh.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng xét đến sự hung dữ của ngôi sao mẹ Gliese 12.
Là một sao lùn đỏ, Gliese 12 có thể có "hành vi" cực đoan nhằm tước mất bầu khí quyển của hành tinh, khiến nó mất nước rồi chết chóc như Sao Kim dù có tự tái tạo lại khí quyển.
Thế nhưng, các mô hình cho thấy ngôi sao lùn đỏ này không có xu hướng làm như vậy.
Sẽ cần thêm các bước quan sát cụ thể hơn để khẳng định liệu có sinh vật nào đang sống trên hành tinh thú vị này hay không.
Nhưng chúng ta có một lợi thế to lớn: Ngôi sao mẹ Gliese 12, còn được gọi là TOI-6251 hoặc GJ 12, nằm cách Mặt Trời chỉ 40 năm ánh sáng, trong chòm sao Song Ngư.
Điều này biến nó thành một trong những hệ sao gần với hệ Mặt Trời nhất và tất nhiên việc quan sát các hành tinh quanh nó bằng các công cụ có sẵn sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Phát hiện về hành tinh có thể sống được này vừa được công bố trên tạp chí khoa họcAstrophysical Journal Letters.
VietBF@ sưu tập