Các đại biểu nêu tình trạng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh ở Việt Nam, nhiều người trẻ chọn không lập gia đình, hoặc lập gia đình nhưng không sinh con, thậm chí nuôi thú cưng để làm niềm vui trong cuộc sống.
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về các vấn đề kinh tế xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023, thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Các đại biểu tại đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã quan tâm đến vấn đề về già hóa dân số hay tỉ lệ sinh của Việt Nam đang ở mức rất thấp…
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM) cho biết tỉ lệ sinh của Việt Nam năm 2023 đã xuống tới mức thấp nhất từ 1975 đến nay, chỉ đạt 1,96. “Đây là dấu hiệu cần đặc biệt được quan tâm” – ông Nhân nhấn mạnh và đề nghị cần chuyển đổi nhận thức để đất nước đạt 2,1 cháu/phụ nữ và phải có một bộ phận sinh con thứ 3 thì mới đủ.
Ông dẫn chứng bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, hiện tỉ lệ sinh ở những nước này là rất thấp, dẫn đến những hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội.
Góp ý cho vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng mỗi chính sách sẽ đúng trong từng giai đoạn, còn hiện nay chúng ta đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhưng chưa có giải pháp để khắc phục.
Trước đây, việc hạn chế người dân sinh quá hai người con là phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay trước nguy cơ già hóa dân số, không có lao động thay thế, cần phải xem xét lại chính sách này.
"Chúng ta cũng chỉ nói hiện tượng già hóa dân số nhưng chính sách lại không đưa ra rõ nét. Đơn giản trong những điều đảng viên không được làm có không được vi phạm chính sách dân số.
Là người đứng đầu cơ quan, có những trường hợp tôi phải đau lòng xem xét đảng viên sinh con thứ 3. Mà đâu phải đảng viên bị, nguyên chi bộ đó cũng bị xem xét thi đua. Bởi vậy chúng ta phải có giải pháp thay đổi. Cái nào có lợi cho đất nước tại sao không thay đổi", bà Lan nêu.Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) cho biết theo đánh giá, Việt Nam đang trong thời điểm già hóa dân số rất nhanh, chứ không phải nhanh nữa. Đây là điều đáng báo động.
Bà Yến cho rằng một chính sách ban hành phải có thời gian lâu mới có hiệu quả. Chính vì vậy, ngay bây giờ phải có các chính sách tổng thể để người dân có thể suy nghĩ đến việc sinh đủ con.
Bà Yến phân tích thêm mức thu nhập bình quân của công nhân, người lao động hiện nay ở mức 7 - 10 triệu đồng/tháng. Có những gia đình thu nhập của cha mẹ không đủ trang trải chi phí cơ bản nuôi một đứa trẻ ăn uống, học hành.
"Đây có phải nguyên nhân của hiện tượng sợ sinh không. Bây giờ có hiện tượng người trẻ không lập gia đình rất lớn, hoặc lập gia đình rồi không sinh con, và thậm chí nuôi thú cưng để làm niềm vui trong cuộc sống", bà Yến nêu xu hướng và đề nghị Chính phủ có báo cáo tổng thể cũng như xây dựng chính sách ngay bây giờ để ứng phó tình trạng già hóa dân số.
|