Đức Tiến từng nặng tới gần 100kg (cao khoảng 180cm) liên tục mất ngủ stress, ăn kiêng giảm cân là nguyên nhân có thể gây đột quỵ cho nghệ sĩ
Đức Tiến gục xuống khi đang gọt trái cây, qua đời sau khoảng 2 tiếng nhập viện cấp cứu. Vào ngày cuối tuần, nam diễn viên sang nhà bạn chơi, anh order đồ ăn và gọt trái cây. Trong lúc đang gọt trái cây thì Đức Tiến gục đầu xuống và ngã. Ngay lập tức, nam diễn viên được đến bệnh viện để cấp cứu. Theo một người bạn, Đức Tiến được các bác sĩ tích cực cứu chữa trong khoảng 2 giờ đồng hồ nhưng không qua khỏi...
Theo người quen của nghệ sĩ, Đức Tiến đã giảm được 4kg trong thời gian ngắn gần đây. Đức Tiến mắc bệnh béo phì và anh thường xuyên ăn kiêng để giảm cân.
Hơn 10 năm sang Mỹ định cư, Đức Tiến tăng hai size quần áo. Anh thường chọn những trang phục rộng rãi thay vì ôm sát như lúc làm người mẫu. "Nhiều người nói tôi không còn chăm chút ngoại hình kể từ lúc giải nghệ, sự thật không phải vậy. Tôi tăng hơn 18 kg nên cơ thể mập mạp. Bước qua tuổi 40, dù không ăn nhiều, tôi vẫn dễ dàng tăng cân", anh chia sẻ.
Đức Tiến cho biết anh bị căng thẳng, ăn uống thất thường nên tăng cân không kiểm soát trong một tháng quay 'Đóa hoa mong manh', hồi tháng 4/2023.
Trong phim, Đức Tiến đóng vai đạo diễn nên trước đó, anh chăm chút ngoại hình, duy trì cân nặng 77-78 kg (cao 1,8 m) để có diện mạo lãng tử.
Tuy nhiên lúc ghi hình, anh cán mốc 97 kg, cơ thể nặng nề, một số cảnh quay để lộ da mặt nhiều khuyết điểm.
"Tôi bị stress, thiếu ngủ, thường xuyên ăn vặt, ăn nhiều và ăn không ngừng nên mập lên trông thấy. Quả thực, mập là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với diễn viên", anh nói.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 30 có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Việc trao đổi đường, mỡ trong cơ thể người béo phì trở nên khác thường làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu não và bám dính mỡ ở thành mạch máu cộng thêm ảnh hưởng của tăng huyết áp đối với động lực học máu, dẫn đến tỷ lệ bị tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não (đột quỵ não) ở người béo phì cao hơn người bình thường.
Ăn kiêng để giảm mập quá nhanh có thể tử vong vì bệnh tim mạch, đột quỵ
Một nghiên cứu lớn vừa tiết lộ, nhịn ăn gián đoạn, một chiến lược ăn kiêng nhằm hạn chế thời điểm ăn mỗi ngày, lại có liên quan đến nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 91%. Nghiên cứu sơ bộ mới được trình bày vào ngày 18/3 tại Phiên họp khoa học về lối sống EPI của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) năm 2024. Nghiên cứu này xem xét các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch ở hơn 20.000 người trưởng thành ở Mỹ, những người được theo dõi trong thời gian trung bình 8 năm.
Các chuyên gia cho biết, nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng khi sử dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn.
Nhịn ăn gián đoạn bao gồm việc chỉ ăn trong một khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày, thường là từ 4 đến 12 giờ trong 24 giờ. Trong số 20.000 người trong nghiên cứu mới, 414 người cho biết họ nhịn ăn trong khoảng thời gian 8 giờ hoặc ít hơn mỗi ngày. Những người tham gia không được chỉ định chế độ ăn kiêng như vậy.
Nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa khung thời gian ăn uống trong 8 giờ và tử vong do tim mạch, nhưng điều này không thể nói liệu lịch trình ăn uống này có gây ra tử vong hay không - nó chỉ cho thấy mối tương quan.
Việc hạn chế ăn uống trong khoảng thời gian này có liên quan đến nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn trong toàn bộ nhóm.
Ngoài ra, những người đang mắc bệnh tim mạch mà nhịn ăn trong khoảng thời gian từ 8-10 giờ cũng có nguy cơ tử vong vì bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn 66% so với những người khác.
Tiến sĩ Wendy Bennett, phó giáo sư y khoa tại Trường Y Đại học Johns Hopkins, Mỹ, lưu ý rằng nghiên cứu này cho thấy cần phải xem xét kỹ lưỡng "sự thúc đẩy chế độ ăn kiêng gián đoạn”
Bennett và những người khác đã công bố nghiên cứu vào tháng 1 năm 2023 cũng làm dấy lên nghi ngờ về lợi ích của việc nhịn ăn gián đoạn, cho thấy rằng đây không phải là một chiến lược giảm cân thành công.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải khám phá chính xác việc nhịn ăn gián đoạn trong 8 giờ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch như thế nào và đánh giá thêm các nhóm dân số trên khắp thế giới.
Ngoài ra, việc nhịn ăn gián đoạn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực khác, Cynthia Bulik, giáo sư tâm thần học nghiên cứu về rối loạn ăn uống tại Trường Y thuộc Đại học Bắc Carolina, cho biết. Mặc dù được ca ngợi là chiến lược tuyệt vời tiếp theo để kiểm soát cân nặng, việc nhịn ăn gián đoạn có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và xã hội khi lịch ăn uống của họ không phù hợp với lịch trình ăn uống của những người thân yêu trong gia đình.
Thêm vào đó, đối với những người có gien di truyền dễ mắc một số chứng rối loạn ăn uống, thời gian nhịn ăn kéo dài về mặt lý thuyết có thể khiến họ rơi vào trạng thái cân bằng năng lượng tiêu cực và gây ra chứng rối loạn ăn uống.