Móng tay khỏe mạnh sẽ có bề mặt bóng mịn, không có vết lõm và màu trắng hồng. Đôi khi, màu sắc và kết cấu móng tay có thể bị thay đổi, đặc biệt là khi bị chấn thương. Trong một số trường hợp, sự thay đổi này còn là dấu hiệu bệnh tiềm ẩn.
Móng được cấu tạo từ keratin, hay còn gọi là chất sừng. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Journal of the European Academy of Dermatology & Venereology phát hiện mỗi tháng móng tay có thể dài ra gần 3,5 mm. Tốc độ này nhanh hơn đáng kể so với móng chân khi mỗi tháng chỉ dài thêm khoảng 1,6 mm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Móng tay nhợt nhạt, tái xanh có thể là do thiếu máu và ô xy trong máu
Một trong những thay đổi hay gặp nhất là móng đổi màu. Nghiên cứu của Viện Da liễu Mỹ (AAD) cho thấy móng chuyển sang màu vàng có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm.
Nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm nấm móng là , người lớn tuổi, người mắc một số loại bệnh nhất định hoặc những người sống ở vùng khí hậu ẩm ướt. Nấm móng thường xuất hiện trên móng chân hơn là móng tay. Nếu nấm đã phát triển sâu vào trong móng thì cần nhiều thời gian điều trị và kết hợp dùng một số loại thuốc khác nhau.
Ngoài ra, màu vàng của móng cũng có thể do một số tình trạng sức khỏe nhất định, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh phổi hoặc hội chứng móng tay vàng. Hội chứng móng tay màu vàng là tình trạng hiếm gặp. Nguyên nhân là do một số bất thường trong hạch bạch huyết. Ngoài bị vàng, móng tay người bệnh này còn thường xuyên bị gãy, dày và cong móng.
Những bất ổn sức khỏe khác cũng có thể gây ra một số thay đổi màu sắc ở móng. Ví dụ, thiếu máu sẽ khiến móng trông nhợt nhạt. Trường hợp móng tay màu tái xanh thì rất có thể cơ thể đang thiếu oxy trong máu. Móng tay trắng lại là dấu hiệu của thiếu protein, canxi, thậm chí là cảnh báo bệnh tiềm ẩn như tiểu đường hoặc bệnh gan.
Ngoài ra, chảy máu do chấn thương móng cũng khiến móng chuyển sang màu đen hoặc tím. Tuy nhiên, nếu gần đây bạn không bị va đập nào tác động đến nhưng chúng vẫn chuyển sang màu đen tím thì có khả năng là do nhiễm khuẩn, thiếu vitamin B hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là ung thư.
Mặc dù những thay đổi ở móng tay không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh tật nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, đặc biệt là khi chúng kéo dài và không hết dù đã áp dụng nhiều cách, theo Healthline.
VietBF@sưu tập