Hoạt động thể chất (thể dục, thể thao) không những nâng cao sức khỏe, tăng cường kháng thể, kéo dài tuổi thọ, cải thiện tinh thần và chất lượng cuộc sống… đối với người bình thường, mà còn là một liệu pháp hiệu quả trong công tác điều trị kết hợp dành cho người chẳng may mắc phải căn bệnh ung thư.
Theo Bác sĩ Lâm Thuận Hiệp, Trưởng khoa khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau: “Y học hiện đại đã chứng minh, hoạt động thể chất giúp giảm thiểu nguy cơ của nhiều trường hợp bị ung thư thứ phát. Đồng thời, nó cũng giúp tăng cường sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh trong suốt quá trình điều trị”.
Thông thường, bệnh nhân khi mắc phải căn bệnh ung thư sẽ có tâm lý hoang mang, tinh thần mệt mỏi… nên ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ. Không những vậy, người bệnh còn bị giảm cân nhanh chóng trong quá trình điều trị, do cơ thể bị giảm cả lượng chất béo và giảm cơ. Do đó, việc tập thể dục thường xuyên, nhất là đối với những bài tập có sự tăng cường sức đề kháng, có tác dụng giúp người bệnh ung thư cảm thấy thoái mái và tràn đầy sức sống hơn, hỗ trợ quá trình khôi phục, thậm chí là ngăn ngừa việc mất đi các khối cơ trong quá trình điều trị.
Rèn luyện thể chất sẽ giúp cải thiện sức khỏe, tăng khả năng đề kháng trong suốt quá trình điều trị của người mắc ung thư. (Ảnh minh họa)
Thực tế cho thấy, trong quá trình điều trị bệnh ung thư, nếu việc nghỉ ngơi của người bệnh quá nhiều có thể dẫn đến tê liệt một số chức năng của cơ thể, làm cho người bệnh càng thêm yếu cơ và giảm phạm vi chuyển động. Các bài tập thể dục như đi bộ, dưỡng sinh hoặc đi xe đạp giúp ích rất nhiều trong việc duy trì cân nặng trong suốt quá trình điều trị. Nhiều trường hợp nhờ duy trì tập luyện theo chỉ định của bác sĩ đã tăng cân một cách tích cực.
Bà C.T.T, ngụ Khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, năm nay đã 74 tuổi, bị ung thư cổ tử cung. Do tuổi cao, sức yếu, việc phát hiện ung thư ở vào giai đoạn di căn, nên trong quá trình điều trị bà luôn bị sụt cân. Tuy nhiên, nhờ áp dụng tốt chế độ tập luyện thể dục dành cho người mắc ung thư, hiện nay bà T đã tăng cân ổn định trở lại.
Bà T chia sẻ: “Trước đây khi biết mình mắc bệnh nan y, tâm lý tôi rất hoang mang, kết hợp với việc phải thực hiện hóa trị và xạ trị, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, tôi bị sụt cân nhiều lắm. Tuy nhiên, từ ngày thực hiện theo lời khuyên của các bác sĩ điều trị, tôi đã tham gia tập thể dục dưỡng sinh cùng với Câu lạc bộ người cao tuổi của thị trấn, đến nay sức khỏe của tôi phần nào đã được cải thiện, cân nặng tăng lên nhiều so với trước”.
Bác sĩ Lâm Thuận Hiệp cho biết thêm: “Tập thể dục vừa phải, thường xuyên sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người bị ung thư. Tuy nhiên, việc tập luyện của mỗi bệnh nhân cũng phải dựa vào sự an toàn mà bác sĩ điều trị tư vấn, như: loại và giai đoạn ung thư; phương pháp điều trị mà bệnh nhân đang áp dụng; sức đề kháng của mỗi người bệnh…”.
Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tập thể dục đã được chứng minh là cải thiện thể lực, tim mạch, sức mạnh cơ bắp, thành phần cơ thể, xua tan mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm và một số yếu tố làm giảm chất lượng cuộc sống ở những người được điều trị ung thư./.