Hệ thống hạch bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch, hoạt động như bộ lọc loại bỏ vi trùng và các chất lạ xâm nhập vào cơ thể. Có khoảng 800 hạch bạch huyết nằm rải rác khắp cơ thể, hơn 1/3 ở vùng đầu và cổ.
Bạn không thể nhận biết được hạch bạch huyết khi cơ thể ở trạng thái bình thường. Trong trường hợp nhiễm trùng, chấn thương, ung thư, một vùng hạch bị sưng, nhất là hạch cổ, nách, bẹn. Đôi khi, có nhiều vùng hạch bạch huyết sưng lên, gọi là bệnh hạch toàn thân. Các hạch bạch huyết gần bề mặt da sưng lên có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận khi chạm vào. Những hạch bạch huyết nằm sâu hơn trong cơ thể khi sưng không thể cảm nhận được.
Hạch có thể lành tính hoặc ác tính. Hạch bạch huyết lành tính, bên cạnh dấu hiệu sưng hạch (nổi hạch), người bệnh còn có các triệu chứng ho, đau họng, đau nhức cơ thể, buồn nôn... Người bệnh cũng có thể bị nhiễm virus hoặc bệnh khác. Các hạch bạch huyết sưng gần bộ phận cơ thể bị nhiễm bệnh như miệng, cổ họng, tai, da... Tình trạng sưng giảm dần khi hết các triệu chứng trên.
Hạch bạch huyết có khả năng ác tính, ngoài dấu hiệu sưng hạch, người bệnh không bị ho, cảm hoặc nhiễm các bệnh nhiễm trùng. Nhưng người bệnh bị sốt và đổ mồ hôi vào ban đêm.
Trường hợp hạch không hết sưng sau khi hết sốt, ho, đau họng... cũng là dấu hiệu nghi ngờ hạch ác tính. Các hạch bạch huyết ác tính có xu hướng lớn dần, cứng hơn và không di động. Khu vực xung quanh hạch bạch huyết ác tính thường có màu đỏ, cảm giác ấm khi chạm vào hoặc rỉ dịch.
Bác sĩ Trông khám hạch cổ cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Bạn chưa mô tả kỹ về hạch ở cổ nên bác sĩ chưa thể khẳng định. Bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu nhằm xác định xem có nhiễm trùng và các bệnh tiềm ẩn không. Người bệnh có thể được chụp X-quang, chụp CT, MRI hoặc siêu âm để có hình ảnh rõ hơn về các hạch bạch huyết. Để khẳng định lành hay ác tính, bác sĩ thường chỉ định sinh thiết.
Trường hợp kết quả sinh thiết lành tính, hạch sưng do nhiễm trùng, cúm, bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, kháng virus. Khi hết nhiễm trùng, cúm, tình trạng sưng hạch cải thiện. Nếu hạch đau, gây khó chịu, người bệnh có thể chườm ấm nhiều lần trong ngày, uống nhiều nước; tránh bóp hoặc chọc vào các hạch bạch huyết bị sưng.
Với hạch bạch huyết ác tính, bác sĩ xác định người bệnh bị ung thư hạch hay mắc một loại ung thư khác và dẫn đến di căn hạch. Các phương pháp điều trị gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch...
VietBF@sưu tập