Thấy cảnh tượng đìu hiu trong lễ mừng thọ, ông lão mới hối hận vì những gì đã xảy ra trong quá khứ.
* Dưới đây là câu chuyện được kể lại bởi người hàng xóm cạnh nhà ông Trần (70 tuổi, Trung Quốc) đang thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng.
Một tuần trước, chú Trần cạnh nhà tôi đột nhiên từ thành phố trở về cùng gia đình. Sau khi về đến nhà, chú bảo con cái chia nhau ra để dọn dẹp căn nhà đã 3 năm không ở. Tôi nghĩ bụng, một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, không biết chú vệ sinh nhà cửa kỹ càng đến như vậy để làm gì. Phải chăng gia đình chú sẽ về quê sống, không trở lại thành phố nữa.
Chưa kịp hỏi thì chú Trần đã tiến đến chỗ tôi để bắt chuyện. Chú buông điếu thuốc đang hút dở rồi nói: Cháu gái, chú có việc này muốn nhờ cháu giúp.
Gặp lại nhau sau 3 năm trời, tôi hơi bất ngờ khi được chú nhờ vả. Hóa ra, vì căn nhà hơi hẹp nên chú Trần muốn mượn khoảng sân của nhà tôi để tổ chức lễ mừng thọ 70 tuổi. Đồng thời, chú không muốn để con trai và con dâu phụ trách thu tiền nên nhờ tôi làm kế toán.
Ở làng tôi, mọi người rất coi trọng các buổi tiệc mừng thọ. Dù giàu hay nghèo, khi trong nhà có người bước sang tuổi 60 hoặc 70, gia đình sẽ tổ chức 1 bữa tiệc để mời bạn bè, người thân và hàng xóm xung quanh.
Về phía chú Trần, kể từ khi chuyển lên thành phố 3 năm trước, chẳng mấy khi chú về quê để tham gia các buổi tiệc của hàng xóm hay ghé thăm mọi người. Lần này đột ngột trở về để tổ chức tiệc mừng thọ, tôi bỗng dưng cảm thấy lo lắng thay cho chú. Chú cho biết họ hàng trong nhà có khoảng 20 người, cộng thêm hàng xóm xung quanh thì đặt 30 mâm cỗ là hợp lý.
Ảnh: Toutiao
Vào ngày mừng thọ, cả gia đình dậy sớm để sắp xếp, lau dọn bàn ghế và bày cỗ mời khách. 30 mâm cỗ được bày từ trong nhà chú Trần đến ngoài sân, 10 bàn cỗ cũng được đặt ở trong sân nhà tôi. Tôi ngồi ở trước cổng nhà. Trên bàn uống nước có 1 cuốn sổ dùng để ghi chép thông tin những người tham dự và tặng quà.
Đến gần trưa, ngoài họ hàng trong nhà thì không có bất kỳ người khách nào đến chúc thọ chú Trần. Người chú ngồi trong phòng với vẻ mặt u ám, tay cầm điện thoại di động, định bấm số mấy lần nhưng rồi dừng lại. Cứ thế hơn 2 tiếng trôi qua mà vẫn không có ai đến.
Lúc này, tôi cảm thấy tình hình không ổn nhưng cũng dần hiểu ra vấn đề. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho người bạn đồng niên có bố được mời đến bữa tiệc mừng thọ của chú Trần. Người này cho biết, bố anh quyết định không đến vì 2 lần mời chú Trần tới mừng thọ và ăn cưới cô con gái, chú đều vắng mặt. Nói đến đây, tôi hiểu ra lý do vì sao không ai tới mừng thọ chú Trần. Đó là vì đã rất lâu chú Trần không sống ở trong làng, cũng chẳng về thăm hỏi hay đến tham dự đám cưới, mừng thọ của người quen.
Suốt cả ngày hôm đó, không có một vị khách nào đến tiệc mừng thọ. Gia đình chú Trần không giấu nổi vẻ lo lắng, bồn chồn. Cuối ngày, chú Trần đứng ra thanh toán nốt nửa số tiền đặt tiệc còn lại là 6.000 NDT (khoảng 22 triệu đồng).
Thấy cuốn sổ ghi chép khách mời trống rỗng, tôi vội lấy ra 500 NDT tiền mặt (khoảng 1,7 triệu) và viết tên mình lên đó. Khi đưa cho chú Trần cuốn sổ và 500 NDT, mắt người chú long lanh những giọt lệ, rồi nén cảm xúc nói lời cảm ơn tôi.
Ở nông thôn quê tôi, người ta chú ý đến việc ''có đi có lại''. Nếu một gia đình mở tiệc chiêu đãi khách, hàng xóm xung quanh sẽ đến giúp đỡ và ngược lại. Nếu không có thời gian để tham dự, mọi người thường báo vắng mặt rồi gửi tiền mừng. Đây là cách mà người trong làng tôi duy trì mối quan hệ với nhau.
VietBF@ Sưu tập