Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết một cốc nước dừa 240 ml có chứa khoảng 46 calo, 10 g đường tự nhiên, ít protein và không có chất béo. Vì vậy, đây có thể là một giải pháp thay thế cho các loại đồ uống giải khát như nước ngọt đóng chai.
Người bị say nắng, sốt nên dùng nước dừa như thế nào?
Theo bác sĩ Vũ, người bị say nắng, sốt, khô miệng có thể áp dụng bài thuốc uống nước dừa tươi một quả vào buổi sáng và tối.
Cách tẩy giun sán đúng bằng dừa:
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho hay nước dừa, cơm dừa, dầu dừa, vỏ dừa, rễ dừa đều là vị thuốc tốt dùng chữa bệnh. Đặc biệt, dừa có tác dụng hỗ trợ cho việc tẩy giun sán. Bạn dùng 1/2 quả dừa, uống nước và ăn cơm dừa lúc chưa ăn sáng, 3 giờ sau ăn thức ăn lỏng bình thường.
Người mất máu, tiêu lỏng, thổ tả nên uống nước dừa cùng gia vị này:
Người bị mất nước sau mất máu, tiêu lỏng, thổ tả có thể áp dụng bài thuốc nước dừa đường muối (nước dừa 1 cốc 250 ml, thêm chút đường muối).
Thời điểm nào trong ngày không nên uống nước dừa?
Theo bác sĩ Vũ, nước dừa không nên dùng vào buổi tối vì dễ dây khó tiêu. Nếu muốn dùng mỗi ngày, chúng ta nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem xét tình trạng sức khỏe của bản thân, cân nhắc lượng calo và chất khoáng đã tiêu thụ từ các nguồn khác.
Bạn không nên dùng nước dừa ngay khi vừa đi nắng về
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết dừa và những loại quả nhiều nước đều có tính mát. Tuy nhiên, người nào mới đi nắng về thì không nên ăn, uống nhiều nước dừa vì có thể gây sốc nhiệt.
Có nên uống nước dừa mỗi ngày để giải nhiệt?
Theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), người dân không nên uống hàng ngày trong thời gian dài hoặc uống quá mức. Tốt nhất, bạn chỉ dùng 2-3 trái dừa mỗi tuần, khoảng 500 ml một lần. Nếu uống quá liều lượng trên, người dùng khả năng mắc một số tác dụng phụ như hạ huyết áp, đầy bụng, tăng đường huyết, gây áp lực cho thận.
|