Một đại học tại Trung Quốc đã từ chối tiếp nhận một sinh viên từng có hành vi ngược đãi động vật, dù nam sinh này có điểm thi cao nhất.Sinh viên này họ Xu, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật tại Đại học Đông Nam ở tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc.
Anh ta được xác định là đã đăng các video cho thấy hành vi ngược đãi mèo. Theo truyền thông Trung Quốc, một video cho thấy Xu dùng chân nhấn đầu một con mèo vào xô nước.
Các tổ chức bảo vệ động vật cáo buộc Xu là thành viên của một nhóm bạo hành động vật. Từ lâu, anh ta đã đăng tải nội dung hành hạ động vật lên Telegram và mạng xã hội nước ngoài khác.
Đại học từ chối
Các cáo buộc hành vi tàn ác với động vật của Xu nổi lên vào tuần trước, sau khi Đại học Nam Kinh, một trường đại học thuộc dự án 985 của Trung Quốc, từ chối cho Xu nhập học chương trình thạc sĩ mặc dù anh ta đứng đầu kỳ thi viết.
Trường đại học tuyên bố Xu đã không vượt qua phần thứ 2 của quy trình tuyển sinh, bao gồm cả phỏng vấn.
Đại học Nam Kinh xác nhận với báo chí rằng một số thông tin lan truyền trên mạng là chính xác. Khi được hỏi liệu vụ việc bạo hành mèo có ảnh hưởng đến quyết định tuyển sinh hay không, một nhân viên của trường nói rằng "những hành động này có thể có tác động".
Tuy nhiên, Xu đã nhanh chóng có tên trong danh sách dự thi của Đại học Lan Châu, cũng là một trường đại học thuộc dự án 985 (dự án xây dựng các trường đại học mang đẳng cấp thế giới).
Theo lịch trình của trường, việc rà soát hồ sơ của tất cả thí sinh, bao gồm cả Xu, bắt đầu từ ngày 7/4. Sau đó, thí sinh sẽ làm bài kiểm tra viết và phỏng vấn vào 2 ngày tiếp theo.
Đại học Lan Châu không tiết lộ liệu Xu có tham gia kỳ thi hay không. Tuy nhiên, các trang mạng xã hội của trường ghi nhận phản ứng của công chúng, kêu gọi trường đại học không nên nhận một sinh viên có nhân phẩm kém.
Tại Trung Quốc, các trường đại học được đưa ra yêu cầu về phẩm chất tư tưởng và đạo đức trong quá trình tuyển sinh. Họ có quyền từ chối tuyển sinh dựa trên các đánh giá này.
Theo hướng dẫn tuyển sinh sau đại học do Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố vào năm 2022, các trường đại học được khuyến khích tiến hành điều tra bên ngoài để xác định xem thí sinh có đủ phẩm chất đạo đức cần thiết hay không.
Dân mạng ủng hộ
Trong tuần qua, các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề này đã tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người lên án hành động tàn ác của sinh viên Xu và ca ngợi trường đại học vì ưu tiên đạo đức trong việc ra quyết định.
Loạt các hashtag liên quan đã thịnh hành trên nền tảng Weibo. Một hashtag có tựa đề "Điểm đầu vào cao học không thể bào chữa cho nhân phẩm kém" thu hút hơn 40 triệu lượt xem.
"Khả năng của bạn đưa bạn lên đỉnh cao, nhưng đạo đức mới giúp bạn ở lại đó", một bình luận đánh giá.
Bất chấp những lời chỉ trích rộng rãi, Hu Xijin, cựu tổng biên tập của Global Times, đã kêu gọi sự khoan hồng cho sinh viên Xu.
"Hành vi đăng video bạo hành động vật là một sai lầm nghiêm trọng và là dấu hiệu của các vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, xã hội chúng ta nên tạo cơ hội cho Xu sửa chữa hành vi của mình, cho người trẻ này một lối thoát và hy vọng", ông Hu viết trên Weibo.
Xu không phải sinh viên đại học đầu tiên có hành vi ngược đãi động vật. Vào tháng 9/2023, một sinh viên đại học ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã bị đuổi học vì đốt mèo và đăng video lên mạng.
Năm ngoái, Red Star News đưa tin một chợ đen đã bán các video quay cảnh mèo bị bạo hành. Theo báo cáo, 30 gigabyte video được bán chỉ với 10 nhân dân tệ (khoảng 35 nghìn đồng).
Hiện tại, Trung Quốc không có luật riêng biệt chống lại hành vi ngược đãi động vật.
Trong khi đó, tại các luật cụ thể về bảo vệ gia súc, gia cầm, động vật hoang dã và động vật thí nghiệm, các chuyên gia cảnh báo vẫn còn lỗ hổng pháp lý liên quan đến thú cưng như chó và mèo.
Theo các luật sư tại Trung Quốc, lan truyền hoặc bán video ngược đãi mèo là hành vi vi phạm các tiêu chuẩn pháp lý.
"Các cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp như giam giữ, phạt tiền, khiển trách và cảnh cáo, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc", một luật sư cho biết.
|