Một trong hai nước này vừa ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine và hủy hoại gần như hoàn toàn mối quan hệ hợp tác với Nga.
Na Uy và Phần Lan sẵn sàng đưa quân tới Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ European Pravda, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide tuyên bố nước này không loại trừ khả năng triển khai quân tới Ukraine, mặc dù hiện tại chưa có kế hoạch gì cụ thể.
"Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch liên quan. Tuy nhiên, về lâu dài, tôi không nghĩ chúng tôi nên loại trừ bất cứ điều gì về mặt nguyên tắc" - Ông Eide nói, đồng thời nhấn mạnh rằng NATO muốn hỗ trợ Ukraine tới mức Kiev thành công, còn Nga thì thất bại.
Song, vị Bộ trưởng lưu ý rằng, các cuộc thảo luận về khả năng triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine "không hẳn là về các đơn vị chiến đấu đối đầu trực tiếp với Nga", mà thiên về hỗ trợ, huấn luyện, cố vấn quân sự.
Trong khi đó, tương như như Na Uy, Phần Lan cũng không loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine, dù hiện tại chưa có kế hoạch.
Theo hãng thông tấn RBC-Ukraine, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm điều đúng đắn khi "buộc Nga phải suy xét về lằn ranh đỏ trong sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine".
"Hiện chưa phải lúc đưa quân tới (Ukraine) nhưng về lâu dài, chúng ta không nên loại trừ bất cứ điều gì" - Bà Valtonen nói.
Trước đó, vào ngày 3/4, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine tại thủ đô Kiev, đưa Phần Lan trở thành thành viên NATO thứ 8 trong năm nay cam kết hợp tác an ninh lâu dài và hỗ trợ quốc phòng cho Kiev để chống lại lực lượng Nga.
Trong tháng 2 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng đưa quân đội các nước phương Tây tới hỗ trợ Ukraine. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các đồng minh NATO. Trước Na Uy và Phần Lan, một số nước đã cho biết họ sẵn sàng cân nhắc khả năng này, trong đó có Lithuania, Latvia, Estonia và Canada.
Tuyển mộ thêm hàng nghìn lính nghĩa vụ
Trong bối cảnh không loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine, chính phủ Na Uy thông báo sẽ tăng số lượng lính nghĩa vụ từ 9.000 lên đến 13.500 quân.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram nói: "Chúng ta phải có đủ người với kỹ năng phù hợp vào đúng thời điểm thích hợp. Chúng ta sẽ cần thêm nhiều người có chuyên môn quân sự chuyên nghiệp trong tương lai".
Ông Gram cho biết, lực lượng vũ trang Na Uy sẽ tăng dần số lượng lính nghĩa vụ tham gia thời gian phục vụ ban đầu hàng năm và sẽ có hơn 100 triệu euro được đầu tư vào cơ sở của quân đội Na Uy ở Terningmoen (phía bắc Oslo). Tại đây, quốc gia thành viên NATO sẽ tập hợp và đào tạo các tân binh.
Về phía Phần Lan, Đại sứ Nga Pavel Kuznetsov tại nước này cho biết, Phần Lan hoàn toàn có khả năng gửi quân tới Ukraine. Quyết định của nước này sẽ phụ thuộc vào Washington.
"Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho rằng chủ đề này (đưa quân tới Ukraine) nên được 'duy trì ở mức cao' và mọi thứ đều có thể xảy ra trong tương lai. Tôi tin rằng Phần Lan sẽ chú trọng vào Washington hơn là các quốc gia lớn của châu Âu khi xem xét vấn đề" - Ông Kuznetsov nói.
Nga cảnh cáo nóng
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, đại biểu Duma Quốc gia Nga từ Sevastopol Dmitry Belik cảnh báo, toàn bộ binh sĩ của quân đội nước ngoài đưa tới Ukraine sẽ được coi là lính đánh thuê và không được quân đội Nga coi là một phần của lực lượng hợp pháp.
Nói cách khác, số binh sĩ này sẽ không được xem xét hay đối xử theo luật quân sự Nga vì họ được xem là những người thuê mướn không chính thức.
Riêng với trường hợp của Phần Lan, Đại sứ Nga Pavel Kuznetsov cho biết, trong mọi trường hợp, hai phía (Nga-Phần Lan) sẽ không thể quay trở lại hình thức hợp tác trước đây bởi Helsinki đã gia nhập khối quân sự "hung hãn" của NATO và hủy hoàn gần như hoàn toàn sự hợp tác với Nga.
"Liên quan đến tình hình Ukraine, rõ ràng Phần Lan đã tham gia phe 'chiến tranh chống lại Nga cho tới khi thắng mới thôi'" - Ông Kuznetsov nhận định.
Vị đại sứ đồng thời cảnh báo, hành động khiêu khích lớn từ Phần Lan sẽ kích hoạt phản ứng của Nga.
Đặc biệt, ông Kuznetsov tuyên bố Nga chắc chắn sẽ đáp trả nếu vũ khí hạt nhân của NATO được triển khai trên đất Phần Lan.
"Chúng tôi không thể không phản ứng trước các quyết định tiềm năng của chính phủ Phần Lan trong lĩnh vực này. Các bước cụ thể sẽ tùy thuộc vào mối đe dọa mà hành động của họ đặt ra cho an ninh của chúng tôi. Người Phần Lan thừa hiểu rằng một hành động khiêu khích lớn như thế này sẽ vấp phải phản ứng từ Nga" - Ông Kuznetsov nhấn mạnh.
VietBF@ Sưu tập