Một số loại thực phẩm quen thuộc dưới đây có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón của bạn.
Táo bón là một bệnh lý phổ biến và được định nghĩa là đi tiêu ít hơn ba lần mỗi tuần. Nếu bạn đi tiêu ít hơn một lần một tuần, tình trạng này được coi là táo bón nặng.
Các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng hoặc đau khi đi đại tiện thường đi kèm với táo bón.
Dưới đây là những loại thực phẩm cần tránh khi bạn bị táo bón:
Chuối xanh
Trong khi chuối chín có thể giúp giảm táo bón thì chuối xanh chưa chín làm tình trạng này trầm trọng hơn. Chuối xanh chưa chín gây táo bón vì chúng vẫn còn nhiều tinh bột, cơ thể khó tiêu hóa.
Caffeine
Giống như chuối, caffeine có thể có tác dụng theo một trong hai cách. Caffeine là một chất kích thích khiến bạn đi đại tiện nhiều hơn hoặc tiêu chảy quá mức. Nhưng khi bạn bị mất nước, chất caffeine trong cà phê, trà đen, cola và sôcôla có thể làm tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn.
Gluten
Gluten là một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Gluten không gây táo bón ở tất cả mọi người nhưng nó sẽ gây rắc rối cho một số người nhạy cảm hoặc dị ứng với nó hoặc người mắc chứng rối loạn tự miễn dịch gọi là bệnh celiac. Người mắc bệnh này phải tránh tất cả các sản phẩm có chứa gluten.
Quả hồng
Quả hồng còn chát chứa lượng tannin cao, có thể làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn qua ruột và làm tăng nặng tình trạng táo bón. Nếu bạn ăn hồng, hãy chọn loại chín có vị ngọt.
Thịt đỏ
Có rất nhiều lý do để tránh ăn thịt đỏ. Thịt có nhiều chất béo nên đường tiêu hóa cần nhiều thời gian hơn để xử lý và sợi protein dai trong thịt đỏ cũng khiến dạ dày khó tiêu hóa. Ngoài ra, thịt đỏ giàu chất sắt nếu tiêu thụ nhiều cũng gây táo bón.
Rượu
Giống như caffeine, rượu cũng góp phần gây táo bón vì nó làm chậm quá trình tiêu hóa và kích thích ruột, từ đó khiến các triệu chứng táo bón trầm trọng hơn.
Sôcôla
Sôcôla là thực phẩm khác cần tránh, đặc biệt đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS). Lượng lớn chất béo trong sôcôla sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa bằng cách làm chậm quá trình nhu động ruột và từ đó làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn qua ruột.
Một số thực phẩm chức năng
Dùng quá mức các thực phẩm bổ sung sắt và canxi là một trong nguyên nhân gây táo bón. Lý tưởng nhất là một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết.
Nếu bác sĩ khuyên bạn nên dùng những chất bổ sung này (ví dụ, những người bị thiếu máu cần sắt và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cần canxi), hãy nhớ bổ sung thêm thực phẩm có nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống để tránh bị táo bón.
Sản phẩm từ sữa
Tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, và kem có thể khiến nhiều người bị táo bón do chính sữa hoặc sự kết hợp của nhiều yếu tố khác. Ngoài ra, lactose trong sữa gây đầy hơi và chướng bụng.
Đồ ăn nhanh
Đồ ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên đều ít chất xơ và nhiều chất béo. Thực phẩm chiên góp phần gây táo bón, chưa kể đồ ăn nhanh thường không có nhiều giá trị dinh dưỡng.
Thay vì ăn đồ ăn nhanh như vậy, khoai lang là một lựa chọn tốt hơn vì nó rất giàu chất xơ hòa tan, nhiều chất dinh dưỡng, giúp giảm và ngăn ngừa táo bón.
Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn chứa ít dinh dưỡng và thường nhiều chất béo. Nhiều loại còn chứa rất nhiều muối. Các loại thực phẩm cần tránh bao gồm: bánh mì trắng, bánh ngọt, đồ ăn đông lạnh, xúc xích.
Tất cả những thực phẩm này có thể gây táo bón do làm chậm hệ tiêu hóa. Hãy thử ăn vặt bằng trái cây, rau và thực phẩm ở dạng hoàn toàn tự nhiên, đồng thời đảm bảo uống đủ nước để giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường.
VietBF@ sưu tập
|