Ngày 2-4, theo AP, để chuẩn bị cho nội dung cuộc hội đàm sắp tới giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stéphane Séjourné và người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị đã tập trung bàn về các chủ đề quan trọng như thương mại và tình hình Nga - Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stéphane Séjourné và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong cuộc gặp tại Bắc Kinh. Ảnh: China News.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stéphane Séjourné nhắc lại nhiều quan điểm đã được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra, bao gồm cả Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước, về các bước đi cần thiết để tái cân bằng mối quan hệ đối tác kinh tế.
Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, ông Stéphane Séjourné nhấn mạnh đây là ưu tiên hàng đầu của Pháp cũng như các nước châu Âu. “Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường rất cởi mở, cởi mở nhất trên thế giới. Nhưng thâm hụt hiện tại với một số quốc gia nhất định, bao gồm Trung Quốc, đang ở mức không bền vững đối với chúng tôi”.
Các quan chức châu Âu bày tỏ lo ngại rằng, làn sóng xe điện giá rẻ do Trung Quốc sản xuất có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất và thay thế việc làm ở châu Âu. EU đang điều tra xem liệu trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho xe điện có mang lại lợi thế không công bằng cho các nhà xuất khẩu ô tô Trung Quốc hay không.
Các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc cũng đang phàn nàn rằng những thay đổi gần đây về Luật An ninh quốc gia Trung Quốc đã khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Về tình hình Ukraine, ông Stéphane Séjourné cho biết, Pháp quyết tâm duy trì đối thoại chặt chẽ với Trung Quốc để góp phần tìm ra con đường dẫn đến hòa bình lâu dài ở Ukraine.
Về phía Trung Quốc, các quan chức đã nêu quan ngại về chiến lược “giảm thiểu rủi ro” mà EU đang theo đuổi nhằm đảm bảo rằng khối này không phụ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia nào về nguồn cung cấp và khoáng sản quan trọng. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị bày tỏ sự thông cảm đối với quan điểm của châu Âu nhưng ông hy vọng điều này không ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý kinh doanh của cả hai phía.
“Tôi tin rằng thực tế đã và sẽ tiếp tục chứng minh rằng Trung Quốc tạo ra cơ hội cho châu Âu, thay vì rủi ro. Hai bên là đối tác chứ không phải đối thủ”, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nhấn mạnh.
Ông Vương Nghị cũng nói rằng, Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu thêm “các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao của Pháp” và đang nỗ lực giải quyết những lo ngại mà các công ty châu Âu nêu ra, bao gồm cả các hạn chế về chuyển dữ liệu ra nước ngoài.
Dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện chuyến thăm Pháp vào đầu tháng 5. Chuyến đi đầu tiên của ông tới châu Âu kể từ đại dịch Covid-19 diễn ra trùng với dịp Trung Quốc và Pháp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.