Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts vừa ghép thành công thận lợn biến đổi gene đầu tiên cho người sống.
Ca phẫu thuật được thực hiện ngày 16/3, trên bệnh nhân tên Rick Slayman, 62 tuổi, quản lý của Sở Giao thông Vận tải Massachusetts. Ông được chẩn đoán mắc bệnh thận giai đoạn cuối, không có phương pháp điều trị thay thế hiệu quả nào khác. Hiện bệnh nhân hồi phục tốt, dự kiến sớm xuất viện.
Tiến sĩ Tatsuo Kawai, giám đốc Trung tâm Dung nạp Cấy ghép Lâm sàng Legorreta, trưởng kíp mổ, cho biết quả thận "hồng lên" ngay khi các bác sĩ kết nối nó với mạch máu của người bệnh. Đội phẫu thuật ngay lập tức vỗ tay vang dội.
"Đây thực sự là quả thận đẹp nhất tôi từng thấy", bác sĩ Kawai phát biểu ngày 22/3, trong cuộc họp báo công bố về ca bệnh.
Thận lợn đã được công ty eGenesis Bio biến đổi gen để có sự tương thích với con người. Các nhà khoa học sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để chỉnh sửa 68 DNA của lợn, ngăn chặn tình trạng thải ghép. Họ cũng loại bỏ ba gene trên bề mặt tế bào lợn có thể bị hệ miễn dịch của người nhận ra và tấn công. Đồng thời, các nhà khoa học vô hiệu hóa retrovirus, loại virus có thể lây nhiễm sang người.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân có thể sống sót nhiều năm với quả thận mới, song cũng thừa nhận lĩnh vực cấy ghép khác loài còn nhiều điều chưa biết.
Điều dưỡng Melissa Mattola-Kiatos lấy thận lợn ra khỏi hộp để chuẩn bị cấy ghép tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts,, ngày 16/3. Ảnh: Massachusetts General Hospital
Theo Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, ông Slayman là bệnh nhân của chương trình cấy ghép thận trong 11 năm. Trước đó, ông từng được ghép thận từ người hiến tặng năm 2018. Vì phải sống chung với bệnh tiểu đường và huyết áp, quả thận bắt đầu có dấu hiệu hỏng hóc sau 5 năm, khiến ông phải tiếp tục chạy thận năm 2023.
Cuối năm ngoái, ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh thận giai đoạn cuối và khuyên thử tham gia chương trình ghép thận từ lợn. Theo ông, đây là cách cuối cùng giúp ông sống sót và là hy vọng cho hàng nghìn người đang trông chờ vào nguồn tạng hiến hiếm hoi.
Theo các chuyên gia, ca mổ là cột mốc quan trọng về mặt y học. Tiến sĩ Parsia Vagefi, trưởng khoa phẫu thuật cấy ghép tại Trung tâm Y tế Tây Nam UT, cho biết: "Cuối cùng thì điều này đã thành hiện thực sau nhiều năm làm việc, thực sự là một bước tiến lớn".
Hiện nhu cầu về nội tạng vượt qua số lượng trong kho dự trữ. Mỗi ngày, Mỹ có 17 người chết trong quá trình chờ phẫu thuật cấy ghép, thận là loại nội tạng có nguồn cung ít nhất. Theo Mạng lưới Mua sắm và Cấy ghép Nội tạng, khoảng 27.000 quả thận đã được ghép vào năm 2023. Tuy nhiên, trong danh sách chờ còn tới 89.000 người.
Đây là ca ghép tạng lợn thứ ba vào người sống. Trước đó, các bác sĩ đã thực hiện hai ca ghép tim lợn cho người, song bệnh nhân tử vong sau vài tháng, do quả tim ghép bị nhiễm virus lợn.
VietBF@sưu tập