Nam giới có bề mặt xương, khớp lớn và khỏe hơn, trong khi xương chậu của phụ nữ rộng hơn để mang thai và sinh nở.
Khác biệt đáng kể nhất giữa bộ xương nam và nữ là kích thước. Sự khác biệt này có từ khi sinh ra và tiếp tục tồn tại trong suốt thời thơ ấu. Cấu trúc xương giữa nam và nữ cũng khác nhau.
Nam giới có đầu to hơn, tay chân dài hơn nữ và có liên quan đến kích thước cơ thể. Những khác biệt khác về xương ở nam và nữ là ở hộp sọ và các xương dài, nhất là xương đùi và xương chày; ở khuỷu tay, vai, ngón tay.
Hộp sọ của phụ nữ có xu hướng nhỏ hơn và nhẹ hơn hộp sọ của nam giới do sự khác biệt chung về kích thước cơ thể và cơ bắp. Sự khác biệt về kích thước thể hiện rõ ở dung tích sọ não.
Hộp sọ của phụ nữ thường tròn và mịn hơn, với lông mày và đường viền hàm ít nổi bật. Hộp sọ của nam giới thường có mật độ xương cao hơn, do yếu tố nội tiết tố.
Nam giới có bề mặt xương, khớp lớn và khỏe hơn, có nhiều xương hơn ở các vị trí gắn cơ nhưng phụ nữ có xương chậu khỏe hơn. Xương chậu và thân của phụ nữ rộng hơn so với nam giới là vì có khả năng sinh con. Nó rộng hơn và dài hơn, được giữ với nhau bằng các dây chằng nới lỏng để cho phép xương chậu mở rộng lúc mang thai và sinh nở.
Thân trên của phụ nữ rộng hơn để cơ thể có thể chứa được các cơ quan trong thời kỳ mang thai. Dựa vào các đặc điểm này, các nhà nghiên cứu có thể xác định một bộ xương là nam hay nữ bằng cách đo xương chậu.
Sự khác nhau về cấu trúc xương sâu và rõ ràng hơn khi tuổi dậy thì bắt đầu. Tuổi dậy thì là giai đoạn thay đổi về thể chất, qua đó cơ thể trưởng thành dần lên để có khả năng sinh sản.
Quá trình phát triển xương ở tuổi dậy thì ở bé trai khác với bé gái. Các bé trai có hai năm tăng trưởng trở lên trước tuổi dậy thì và giai đoạn tăng trưởng nhanh kéo dài khoảng 4 năm, trong khi các bé gái có thời gian tăng trưởng nhanh là 3 năm.
Vào đầu những năm 20 tuổi, cả hai giới đều đạt được khối lượng xương tối đa, là lượng xương lớn nhất mà một người có thể đạt được. Xương chứa tổng lượng khoáng chất xương được tích lũy trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên.
Khối lượng xương ở bé trai và bé gái khác nhau chủ yếu do di truyền. Nhưng chúng có thể bị ảnh hưởng và thay đổi bởi các yếu tố như tập thể dục và ăn uống. Ví dụ tiêu thụ thường xuyên các sản phẩm từ sữa chứa canxi và vitamin D cần thiết với sức khỏe xương, có thể tác động đến sự phát triển của xương.
Hầu hết sự tăng khối lượng xương đạt được ở tuổi thiếu niên là tăng chiều dài và kích thước, không phải khoáng chất. Đây là lý do tại sao gãy xương phổ biến hơn ở tuổi thiếu niên. Trong thời gian này, khối lượng xương chậm lại so với chiều dài, khiến xương tạm thời yếu đi.
Một yếu tố khác tác động sự phát triển xương ở bé trai là testosterone - hormone giới tính chính ở nam giới giúp cải thiện kích thước xương. Estrogen là hormone giới tính chính ở nữ làm giảm sự phát triển của xương đồng thời điều chỉnh mức độ khoáng chất của xương.
Sự khác nhau về testosterone và estrogen giải thích tại sao bé trai phát triển xương lớn hơn và có khối lượng xương đỉnh cao hơn bé gái. Điều này cũng lý giải phụ nữ trưởng thành có nguy cơ gãy xương do hormone cao hơn so với gãy xương do chấn thương.
Sau khi đạt khối lượng xương tối đa, cả hai giới bắt đầu mất mô xương khi có tuổi. Ở phụ nữ, tình trạng mất xương liên quan đến tuổi tác, tăng tốc sau khi mãn kinh. Quá trình này càng tăng cao do lượng estrogen giảm nhanh khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.
Việc mang thai có ảnh hưởng đến sức khỏe xương của phụ nữ khi họ già đi. Quá trình mang thai làm tăng nhu cầu canxi để xây dựng bộ xương của thai nhi và trong thời gian cho con bú. Khi mang thai, mật độ xương và khối lượng xương có thể thay đổi.
Phụ nữ bị mất xương với tốc độ nhanh hơn nam giới. Tỷ lệ mất xương ở nam giới thấp hơn do ảnh hưởng của nồng độ estradiol - một dạng estrogen quan trọng đối với khả năng tình dục của đàn ông.
|