Hình ảnh mới công bố của truyền thông Mỹ cho thấy hai tổ hợp pháo phản lực HIMARS Ukraine bị hư hại được vận tải cơ Ukraine đưa tới Mỹ để sửa chữa.
Truyền thông Mỹ hôm 12/2 công bố video tại sân bay quốc tế Harrisburg ở thành phố Middletown thuộc bang Pennsylvania, cho thấy hai tổ hợp pháo phản lực M142 HIMARS được vận chuyển xuống khỏi vận tải cơ.
Vận tải vận chuyển pháo M142 HIMARS chính là chiếc An-124 Antonov của không quân Ukraine.
Có thể nhận thấy tổ hợp M142 HIMARS nhiều khả năng bị trúng mìn và chịu thiệt hại nặng. Bánh trước bên phải và một phần sàn buồng lái bị thổi bay, khiến các kỹ thuật viên phải tì trục xe lên các khối gỗ để giữ cân bằng.
Tổ hợp M142 HIMARS thứ hai dường như bị trúng mảnh văng từ đạn pháo của Nga. ít nhất 16 lỗ thủng trên thân xe và lốp trước bị xịt, trong khi cả hai tấm kính chống đạn trước buồng lái cũng hư hại, nhưng xe có vẻ không chịu tổn thất nặng.
Đây là những hình ảnh đầu tiên, có sức thuyết phục nhất về hệ thống HIMARS của Ukraine bị hư hại và loại khỏi vòng chiến. Nhiều khả năng chúng đang được đưa về nhà máy sửa chữa", cây bút Thomas Newdick nhận định.
Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.
Mỹ viện trợ pháo phản lực HIMARS cho Ukraine từ cuối năm 2022 với tổng cộng 39 xe phóng đã được chuyển giao.
Chúng nhanh chóng chứng tỏ giá trị khi nhiều lần được Kiev sử dụng để tập kích, phá hủy các khí tài quan trọng của đối phương trên tiền tuyến.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS của Mỹ được đánh giá là một trong những loại vũ khí phóng loạt nguy hiểm nhất hiện nay.
Đây chính là biến thể thu gọn của loại pháo phản lực M270. Chúng sử dụng khung gầm xe bánh lốp 6x6 thay vì bánh xích.
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS bao gồm hai thành phần chính là xe mang phóng và xe tải đạn.
Xe mang phóng được lắp động cơ diesel Caterpillar 3115 ATAAC dung tích 6,6 lít có công suất 290 mã lực cho tốc độ tối đa 85 km/h; tầm hoạt động 480 km.
Xe có độ cơ động rất tốt khi leo được dốc 60%; vượt chướng ngại vật cao 0,6 m; vượt hào rộng 1 m; lội nước sâu 0,9 m.
Mỗi xe phóng mang theo một container chứa 6 ống phóng đạn rocket, và khi cần container này có thể chứa và phóng một tên lửa MGM-140.
M142 có độ sát thương lớn, chỉ mất 20 giây để phóng 6 quả rocket M26 tạo ra vùng sát thương rộng 78,5 ha.
Mỗi quả đạn rocket M26 lại mang theo 644 đầu đạn con M77, bắn từ khoảng cách 30 km. Lục quân Mỹ ví đây là phương án ném bom mà không cần sự trợ giúp từ máy bay không quân.
Trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1990-1991), các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt tỏ rõ sức mạnh dù chỉ dùng đạn M26 cơ bản.
Vào thời điểm đó, Mỹ bắt đầu phát triển mẫu rocket có tầm bắn tới 45 km, nhưng vẫn sử dụng đầu đạn M77.
Không lâu sau, đầu đạn này được thay thế bằng biến thể M85 mới hơn, có cùng sức hủy diệt nhưng tỷ lệ trục trặc kỹ thuật chỉ 1% so với 5% của M77.
Tuy nhiên, điểm yếu của chúng là các quả đạn không có hệ thống dẫn đường, khiến chúng có độ chính xác rất thấp, dễ gây thiệt hại ngoài ý muốn trên chiến trường.
Mỹ sau đó cho ra đời phiên bản đạn rocket M30 trang bị đầu tự dẫn và 404 bom con M85, giảm bớt sức sát thương nhưng tăng đáng kể độ chính xác với các mục tiêu cỡ nhỏ.
Biến thể đạn rocket M31 mới nhất được coi là giải pháp hiệu quả để tiêu diệt mục tiêu trong đồi núi và đô thị với độ chính xác tối đa.
Đầu đạn chùm M85 được thay bằng khối thuốc nổ mạnh nặng 100 kg, cho phép tiêu diệt mục tiêu đơn lẻ mà không gây thiệt hại ngoài dự tính cho khu vực xung quanh.
Quả đạn trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh, cho phép nó đánh trúng trong bán kính 10 m quanh mục tiêu định trước.
Tầm bắn được nâng lên khoảng 70-80 km, ngoài khả năng phản pháo của hầu hết các tổ hợp pháo phản lực thông thường, bảo đảm khả năng sống sót cho bệ phóng của hệ thống M142.
M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực hiện có trong trang bị của các nước NATO và cả các quốc gia khác bao gồm cả Nhật Bản và Israel.