Nhờ tính phi tập trung, thị trường tiền số không bị bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào sở hữu hay kiểm soát. Tuy nhiên, nó cũng khiến ngành dễ chịu nhiều thiệt hại trước các vụ tấn công lừa đảo.
Theo dữ liệu của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), từ tháng 1.2021 đến tháng 6.2022, hơn 46.000 người đã báo cáo mất hơn 1 tỉ USD tiền số. Sau đây là một số hình thức lừa đảo phổ biến.
Lừa đảo bằng AI
Lợi dụng sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), tin tặc thường tạo chatbot AI hoặc trợ lý ảo để tương tác với nạn nhân. Các chatbot độc hại này sẽ cung cấp lời khuyên sai lệch để dụ mọi người đầu tư vào token giả và các đợt phát hành coin lần đầu ra công chúng (ICO) không có thật.
Với sự trợ giúp của AI, công nghệ deepfake cũng trở nên ngày càng nguy hiểm khi rơi vào tay kẻ xấu. Deepfake cho phép tạo ra nội dung số có độ chân thực cao bằng cách thao tác và thay đổi file gốc, chẳng hạn như hoán đổi khuôn mặt trong video, ảnh và âm thanh.
Do đó những kẻ gian thường đánh cắp danh tính của người nổi tiếng để thực hiện hành vi lừa đảo. Ví dụ, trong một video deepfake từng được lan truyền khắp nền tảng X, Elon Musk giả mạo giới thiệu về một dự án tiền số mới và hứa hẹn nhà đầu tư có thể kiếm được 30% lợi nhuận chỉ sau ba tháng. Vào tháng 12.2023, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cảnh báo về việc hình ảnh của ông bị AI mạo danh kêu gọi đầu tư tiền số.
Hình ảnh của Elon Musk trong video deepfake
Chụp màn hình
Tuy nhiên, AI cũng có thể được ứng dụng để chống lại các vụ lừa đảo online. Những nhà nghiên cứu tại Đại học San Diego (Mỹ) đã phát triển một hệ thống AI để phát hiện và vạch trần chiêu trò lừa đảo tặng tiền số.
Mô hình Ponzi
Mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo tài chính tinh vi được ngụy trang dưới dạng cơ hội đầu tư. Kẻ gian sẽ trả lãi suất cho nhà đầu tư bằng tiền của những người gia nhập sau, chứ không phải từ lợi nhuận thực sự của dự án. Khi không còn đủ người mới tham gia, mô hình này sẽ sụp đổ.
Lừa đảo trên mạng xã hội
Hình lừa đảo phổ biến nhất chính là hack hoặc tạo tài khoản giả danh người nổi tiếng để quảng bá tiền số. Mặc dù các nền tảng như X (tên cũ Twitter), Instagram, TikTok đã thực hiện nhiều biện pháp để chống lừa đảo tiền số nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên diễn ra.
Vào năm 2020, tài khoản Twitter của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, tỉ phú Bill Gates, Warren Buffett, Jeff Bezos... đồng loạt bị hack để lừa đảo Bitcoin quy mô lớn. Theo CNN, các bài viết mà tin tặc đăng có nội dung tương tự nhau, hứa hẹn sẽ gửi tặng gấp đôi số Bitcoin cho những ai chuyển tiền vào địa chỉ ví.
Tin tặc sử dụng tài khoản của Bill Gates để lừa đảo
Chụp màn hình
Dù bài viết nhanh chóng được gỡ xuống, nhiều người vẫn lo ngại về hệ thống bảo mật của những nền tảng này.
Vào tháng 6.2023, Tổ chức người tiêu dùng châu Âu (BEUC) cáo buộc các mạng xã hội đã tạo điều kiện cho kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo liên quan đến tài sản số. Trong báo cáo dài 20 trang, cơ quan giám sát nhấn mạnh các ứng dụng như Instagram và TikTok có chính sách lỏng lẻo, cho phép kẻ xấu nhắm mục tiêu vào những thanh thiếu niên thiếu kiến thức.
Sàn giao dịch giả
Kẻ gian thường tạo ra các trang web giả mạo bắt chước sàn giao dịch lớn để đánh lừa nạn nhân. Chúng thường hứa hẹn mức lợi nhuận cao nhằm đánh vào tâm lý của nhà đầu tư.
Ban đầu, những trang web này có thể hoạt động bình thường và cho phép rút một số tiền nhỏ. Nhưng khi nạn nhân đầu tư nhiều hơn, trang web đó sẽ đột nhiên biến mất hoặc từ chối yêu cầu rút tiền. Ngoài ra, một số sàn giao dịch giả thường có phí đăng ký hoặc rút tiền cao bất thường.