Những kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake, giả làm giám đốc gọi video cho nhân viên tài chính yêu cầu chuyển 25 triệu USD cho mình.
Sự việc được cảnh sát Hong Kong thông báo hôm 2/2. Theo đó, nhân viên trong bộ phận tài chính của một công ty đa quốc gia đã nhận được email từ một người nói rằng họ là giám đốc tài chính của công ty, chi nhánh tại Anh.
Ban đầu, nhân viên này nghi ngờ đó là một email lừa đảo vì "giám đốc" này yêu cầu anh phải thực hiện giao dịch bí mật. Vị "giám đốc" do đó đã chủ động gọi video để nhân viên nhìn thấy mình. Trong video còn xuất hiện rất nhiều đồng nghiệp công ty mà nhân viên này quen, họ đang cùng tham dự một cuộc họp quan trọng. Nhân viên này do đó đã dẹp bỏ nghi ngờ và làm theo lệnh giám đốc.
Theo hướng dẫn anh nhận được trong cuộc gọi đó, nhân viên này đã thực hiện 15 giao dịch, chuyển tổng 200 triệu đô la Hồng Kông, tương đương 25,6 triệu USD, đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, đều là các chi nhánh ngân hàng trong Hong Kong.
Vụ lừa đảo diễn ra được một tuần, nhân viên sau đó mới liên hệ với trụ sở chính của công ty và họ nhận ra mình đã bị lừa. Cả giám đốc tài chính và dàn nhân viên trong cuộc họp xuất hiện trong video, đều là sản phẩm của deepfake.
Deepfake là một loại kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật. Bằng cách sử dụng các thuật toán, phần mềm có thể học cách tái tạo hình ảnh và âm thanh giống như người thật và có thể tạo ra những video khó phân biệt so với thực tế.
Video deepfake đang gây lo ngại toàn cầu. Siêu sao Taylor Swift là một trong những người mới nhất bị cuốn vào làn sóng video deepfake khiêu dâm lan truyền trên X và Telegram vào tháng trước. Những bức ảnh của cô trong tư thế khiêu dâm, đã được xem hàng chục triệu lần trước khi bị xóa khỏi nền tảng xã hội.
Nhiều chính trị gia khắp thế giới, đang kêu gọi ban hành luật để chống lại nạn deepfake, do lo ngại về sự phức tạp của công nghệ này và những mục đích bất chính mà nó có thể gây ra.
VietBF@sưu tập
|