Nhịn hắt hơi có thể tạo ra áp lực đường thở, dẫn đến đau ngực, nhiễm trùng tai và vỡ mạch máu nhưng ít gặp.
Hắt hơi là cách cơ thể loại bỏ các chất kích thích như vi trùng, phấn hoa hoặc bụi ra khỏi mũi và cổ họng. Nhiều người thường nhịn hắt hơi để giữ phép lịch sự nơi công cộng, trong cuộc họp.
Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, một cơn hắt hơi mạnh có thể đẩy hàng chục nghìn giọt nước từ mũi với tốc độ lên tới 160 km trên một giờ. Nếu nhịn hắt hơi, luồng không khí bị giữ lại gây áp lực lên đường thở mạnh, có thể dẫn đến nhiều vấn đề.
Đau ngực
Kiềm chế lực hắt hơi có thể gây ra cảm giác tức ngực khó chịu. Luồng không khí tạo áp lực lên cơ hoành (cơ ở ngực giúp chúng ta thở). Bạn cũng có thể cảm thấy áp lực ở ngực, xương sườn.
Thủng màng nhĩ
Màng nhĩ vỡ có thể xảy ra khi nhịn hắt hơi nhưng rất ít gặp. Mũi và tai được nối với nhau bằng ống eustachian. Khi nhịn hắt hơi, áp lực trong mũi tăng lên, áp lực này truyền đến tai thông qua ống eustachian, làm chấn thương màng nhĩ. Nếu cơn hắt hơi mạnh, liên tục bị giữ lại, nguy cơ cao thủng màng nhĩ.
Nhiễm trùng tai
Hắt hơi do cảm lạnh thường mang theo nhiều chất nhầy chứa virus hoặc vi khuẩn. Chúng có thể di chuyển từ mũi qua ống eustachian và vào tai, tạo điều kiện cho nhiễm trùng tai giữa phát triển. Tai giữa có thể chứa đầy mủ, gây nghe kém, đau buốt màng nhĩ. Một số triệu chứng khác như nhức đầu, khó chịu, sốt cao trên 39 độ.
Vỡ mạch máu
Hắt hơi tạo ra áp lực không khí có thể khiến mao mạch ở mắt, mũi hoặc màng nhĩ bị vỡ. Sau khi nhịn hắt hơi, mắt có thể xuất hiện một số đốm đỏ trên nhãn cầu, là biểu hiện mạch máu chịu tác động.
Nhịn hắt hơi gây khó chịu, phần lớn đều không nguy hiểm đến tính mạng. Để tránh lây bệnh cho người khác, người hắt hơi nên che miệng và mũi bằng khăn giấy. Sau đó, vứt khăn giấy, rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng nước rửa tay. Nếu không có khăn giấy, cách tốt nhất là hắt hơi vào khuỷu tay, quay mặt đi nơi khác hoặc tránh xa người khác.
|