Người bệnh nên mua giày dép vào buổi tối khi cỡ chân lớn nhất để di chuyển thoải mái, chọn chất liệu mềm giúp tránh tổn thương và giảm biến chứng bàn chân tiểu đường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bàn chân người bệnh tiểu đường dễ nhiễm trùng hơn người bình thường do đường huyết tăng, giảm liên tục. Nhiễm trùng bàn chân tiến triển nhanh có thể hình thành ổ áp xe, hoại tử dẫn đến cắt cụt chân.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng xấu đến mạch máu, thần kinh, gây hàng loạt tổn thương đến nhiều cơ quan như tim, mắt, thận, não... Khi bàn chân tổn thương, biến chứng rất phức tạp do hệ quả của nhiều biến chứng kết hợp, gồm mất cảm giác do biến chứng thần kinh, giảm tưới máu vì mạch máu nuôi xơ vữa, suy giảm miễn dịch dẫn đến nhiễm trùng nặng. Bác sĩ Trúc đánh giá điều trị vết thương nhiễm trùng ở người tiểu đường khó khăn, phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí.
Một trong những cách chăm sóc bàn chân cơ bản nhưng rất quan trọng cho người bệnh là chọn giày dép phù hợp. Dựa theo hướng dẫn của nhóm Chuyên trách Quốc tế Bàn chân Tiểu đường (International Working Group on the Diabetic Foot - IWGDF), bác sĩ Trúc khuyên người bệnh tiểu đường mang giày dép vừa chân để giảm áp lực tì đè và ngăn ngừa loét chân. Trường hợp bàn người tiểu đường bị biến dạng hoặc có dấu hiệu loét, bác sẽ chỉ định đo đóng riêng giày, đế giày hoặc chỉnh hình ngón chân.
Chọn giày dép có chất liệu tự nhiên, êm ái, vừa vặn và tạo sự thoải mái khi di chuyển, mang tất (vớ) giúp phòng biến chứng bàn chân tiểu đường.
Người bệnh cần tránh loại dép hở ngón vì dễ tổn thương da. Nên mua giày dép vào buổi chiều tối khi kích cỡ chân lớn nhất, tránh chọn loại quá chật dẫn đến tổn thương. Người bệnh nên đi dép ngay cả khi ở trong nhà để bảo vệ bàn chân tốt nhất.
Người bệnh tiểu đường nên chọn giày dép vừa vặn, chất liệu mềm, thoải mái. Ảnh: Freepik
Để phòng ngừa nhiễm trùng bàn chân tiểu đường, bác sĩ Trúc lưu ý người bệnh nên nắm rõ kiến thức cơ bản về chăm sóc, kiểm tra bàn chân hàng ngày. Chọn một thời điểm thích hợp trong ngày để tự kiểm tra bằng cách quan sát bàn chân có các bất thường như vết chai, trầy xước, biến dạng, móng quặp hay không. Nhìn các kẽ ngón, mặt lòng bàn chân, có thể dùng gương hoặc nhờ người thân hỗ trợ để xem kỹ hơn. Nếu xuất hiện vết thương, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm, tránh tiến triển nặng.
Rửa bàn chân hàng ngày và lau khô lại bằng khăn mềm giúp tránh vi khuẩn phát triển, tuyệt đối không được ngâm chân.
Ngoài chọn giày dép phù hợp, người bệnh cần được điều trị toàn diện gồm kiểm soát đường huyết, huyết áp và mỡ máu (nếu có) để phòng nguy cơ tiểu đường gây tổn thương gan thận và các cơ quan khác, tái khám các bệnh định kỳ.
Người bệnh cần khám tầm soát biến chứng bàn chân tiểu đường 6-12 tháng một lần hoặc khi có bất thường. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện và xử lý sớm biến chứng mạch máu, thần kinh hoặc các vấn đề của chân như móng quặp, chai chân, nứt nẻ.
VietBF@sưu tập