Nho đỏ, lê, cà rốt, nghệ đều chứa các hợp chất hỗ trợ ngăn ngừa tế bào ung thư phổi phát triển.
Quả mọng: Việt quất, mâm xôi và nam việt quất chứa nhiều hợp chất anthocyanidin là delphinidin. Bổ sung delphinidin trong chế độ ăn uống có thể ức chế khối u phát triển, hạn chế khả năng khối u tạo ra các mạch máu mới và gây chết tế bào ác tính.
Anthocyanidin góp phần ngăn hình thành cục máu đông (huyết khối), tình trạng thường phát triển ở bệnh nhân ung thư phổi, làm tăng tỷ lệ tử vong.
Nho đỏ: Các hợp chất như resveratrol có trong nước ép nho đỏ và rượu vang đỏ có thể làm cho khối u nhạy cảm hơn với điều trị. Người bệnh hấp thụ chất dinh dưỡng này giúp cải thiện hiệu quả của một số loại thuốc hóa trị thông thường.
Lê: Theo nghiên cứu năm 2016 của Trường Đại học Quân y số 4, Trung Quốc, chất phloretin có trong lê và táo gây ra hiện tượng chết tế bào theo chương trình (apoptosis) trong các tế bào của bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
Phloretin giúp tăng cường tác dụng chống ung thư của một số loại thuốc điều trị. Chất này còn làm giảm tình trạng xơ hóa trong phổi, thường liên quan đến xạ trị.
Cà chua: Hợp chất lycopene trong cà chua vừa giúp giảm nguy cơ vừa chống lại ung thư.
Theo nghiên cứu năm 2015 của Trường Đại học Nakamura Gakuen, Nhật Bản, lycopene hỗ trợ ức chế khối u phát triển, cản trở quá trình phân chia tế bào ung thư phổi, ức chế sự lây lan của ung thư, hỗ trợ loại bỏ tế bào ung thư thông qua quá trình apoptosis.
Các tác giả kết luận lycopene là chất chống ung thư mạnh. Người ăn nhiều thực phẩm có chứa lycopene, ít có khả năng ung thư hơn.
Cà rốt: Khối u ác tính phát triển các mạch máu máu mới để cung cấp máu và xâm lấn các mô. Cà rốt giàu chất phytochemical gọi là axit chlorogen, có thể ngăn các mạch máu của khối u ung thư phổi hình thành. Lúc này khối u không thể tự tạo ra nguồn cung cấp máu để tiếp tục mở rộng. Nấu chín cà rốt không làm mất đi chất phytochemical.
Gừng: Nghiên cứu năm 2015 của Trường Đại học Y Cao Hùng, Đài Loan, củ gừng chứa hợp chất 6-shogaol có thể ngăn ngừa sự phát triển và giảm nguy cơ di căn của tế bào ung thư phổi. Gừng còn giúp giảm buồn nôn do hóa trị, có lợi cho người bị đau mạn tính.
Nghệ: Theo đánh giá năm 2014 của Trường Đại học Florida, Mỹ, dựa trên 125 nghiên cứu, curcumin trong nghệ có thể ức chế khả năng xâm lấn của tế bào ung thư phổi. Chất này có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và kích thích miễn dịch, gây chết tế bào trong tế bào ung thư.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, curcumin có khả năng làm cho khối u nhạy cảm hơn với tác động của hóa trị và xạ trị.