Mạng xã hội đã phổ biến đến mức nhiều thanh thiếu niên coi việc không có Internet hay điện thoại là điều "khó chấp nhận".
Theo tiến sĩ Gary Goldfield, nhà khoa học cấp cao của Bệnh viện Nhi đồng, Viện Nghiên cứu Đông Ontario, Ottawa, Canada, lợi ích rõ ràng nhất của mạng xã hội là nó cho phép giới trẻ, bất kể ở đâu, có thể kết nối ngay lập tức, tương tác với bạn bè.
Vì vậy, số lượng bạn bè, số người theo dõi hoặc số lượt thích của bài đăng thường được xem là phản ánh mức độ nổi tiếng của một người. Cuộc đua về mức độ phổ biến ảo này cũng có thể dẫn đến áp lực mạnh mẽ trong việc đăng bài và "theo kịp xu hướng" hoặc có nguy cơ bị coi là có cuộc sống kém thú vị.
Nghiên cứu nhận thấy người trẻ càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội càng có suy nghĩ tiêu cực về cơ thể mình. Ảnh minh họa: Psychology Today
Bên cạnh đó, những so sánh trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể ảnh hưởng đến cách người trẻ cảm nhận về bản thân. Việc tiếp xúc với những tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế được mô tả trong văn hóa đại chúng có thể có tác động tiêu cực đến hình ảnh cơ thể.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra xu hướng ngày càng gia tăng về sự không hài lòng về cơ thể và cân nặng ở những người trẻ sử dụng nhiều hoặc thường xuyên mạng xã hội.
Trong nghiên cứu của tiến sĩ Gary Goldfield thực hiện đầu năm 2023 trên nhóm thanh niên Canada 17-24 tuổi sử dụng mạng xã hội hơn hai giờ mỗi ngày, kết quả cho thấy 31% cảm thấy không hài lòng, thậm chí chán ghét ngoại hình của mình, 40% cảm thấy căng thẳng về cơ thể khi xem ảnh trên mạng xã hội, 35% đã ngừng ăn hoặc ăn ít hơn vì lo lắng về cân nặng, 40% cảm thấy sợ hãi những nhận xét của bạn bè về ngoại hình, 37% cảm thấy buồn và xấu hổ về điều đó.
Những người tham gia nghiên cứu sau đó được chia thành hai nhóm. Nhóm một, được can thiệp giảm việc sử dụng mạng xã hội xuống còn một giờ mỗi ngày. Nhóm thứ hai tiếp tục sử dụng không hạn chế. Sau ba tuần kết thúc, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhóm một có sự cải thiện đáng kể về ngoại hình và cân nặng so với những người không giảm sử dụng mạng xã hội.
Theo các chuyên gia, trong kỷ nguyên kỹ thuật số giới trẻ tiếp xúc với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hình ảnh mỗi ngày. Hình ảnh và bài đăng trên mạng xã hội đều đã được chọn kỹ càng để thể hiện và duy trì hình ảnh hoàn hảo nhất của một người. Chúng thường được nâng cao nhờ các phần mềm chỉnh sửa ảnh khiến việc so sánh ngoại hình trở nên trầm trọng và nguy hiểm hơn.
Những mô tả trực tuyến tưởng hoàn hảo nhưng xa rời thực tế này có thể khiến giới trẻ cảm thấy không hài lòng với ngoại hình của mình và vì thế, khiến cuộc sống của họ không được như mong đợi.
Việc thay thế việc sử dụng mạng xã hội bằng các hoạt động nâng cao sức khỏe tâm thần hơn như hoạt động thể chất, dành thời gian cho thiên nhiên, theo đuổi sở thích và dành thời gian chất lượng cho bạn bè và gia đình có thể mang lại lợi ích tâm lý lớn hơn, theo các nhà nghiên cứu.